- Người Mường Phăng không biết ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu ở đâu, nhưng đồng bào tin rằng, nơi đây, tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn ấm hơi Đại tướng…

Khi chúng tôi đặt chân lên đất Mường Phăng, trời xam xám màu chì, tiết thu dịu nhẹ gió hiu hiu. Cánh rừng Đại tướng vẫn một màu xanh thẫm.

Người chúng tôi hỏi một cậu bé tên Lò Văn Hùng, dân tộc Thái Đen (10 tuổi) học lớp 4 Trường Tiểu học Mường Phăng.

{keywords}

Các cháu nhỏ Mường Phăng dâng hoa lên bàn Đại tướng đã từng làm việc ở hầm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Cậu hồn nhiên kể: “Cụ Giáp là người bản cháu, cụ “tạp xấc” (đánh giặc) giữ mường, giữ bản của cháu. Nhưng... nhưng... Cụ mất rồi, cô giáo cháu bảo thế. Cụ sẽ không về thăm Mường Phăng nữa... “.

Cậu bé có mái tóc đỏ khét nắng, nói rồi bỏ chạy, để chúng tôi đứng như trời trồng...

Người Mường Phăng mấy ngày nay buồn ghê gớm, họ bảo vì “Ải pú tạp xấc” (ông nội đánh giặc) đã ra đi mãi mãi...

Chị Lò Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Phăng nghẹn ngào: “Nghe tin cụ Giáp từ trần, người Mường Phăng tôi ai cũng khóc. Nếu cụ nhà Giáp mà ở gần hay chỉ cách xa 200 cây số thôi thì có lẽ cả bản tôi sẽ đi thắp hương viếng cụ”.

Dù người Mường Phăng không biết ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu ở đâu, nhưng người Mường Phăng vẫn tin rằng nơi đây, tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn ấm hơi Đại tướng.

Dòng suối Pá Hốc Khiều (rừng tre xanh) vẫn hiền hòa chảy qua nơi xưa Đại tướng vẫn ngồi làm việc, rừng Mường Phăng vẫn mải mê một màu xanh thẫm. 

{keywords}

Cụ Lù Thị Đôi (100 tuổi), nguyên Trưởng ban vận động lương thực phục vụ cho Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954. Người duy nhất ở Mường Phăng còn sống may mắn được làm việc cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhân dân Mường Phăng bày tỏ niềm xót thương bằng những cành hoa màu đỏ đặt trên bàn Đại tướng từng ngồi làm việc.

Và hôm nay, người “em gái” 100 tuổi Lù Thị Đôi, là người duy nhất còn sống ở Mường Phăng đã được Đại tướng giao nhiệm vụ dẫn đơn vị công binh đi khảo sát địa hình để bắt đầu xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, ngùi ngùi kể lại…

“Tôi được trực tiếp nhận lệnh Đại tướng 3 lần. Nhưng nhớ nhất là lần Đại tướng căn dặn kĩ càng “Cô là Trưởng ban dân vận của địa phương, phải tích cực truyên truyền bà con ủng hộ cho chiến dịch, nhưng tuyệt đối bí mật việc quân ta xây dựng căn cứ chỉ huy để đảm bảo cho chiến dịch toàn thắng”

Ngừng trong giây lát, cụ Đôi kể tiếp: “Ngày ấy, tôi vận động nhân dân đóng góp được 9 tấn lúa, gạo và 5 con trâu. Sau khi chiến dịch đại thắng Đại tướng cho mổ 3 con trâu để khao quân”.

Rồi cụ Đôi im bặt. Hai tay bưng mặt khóc. Những giọt nước mắt chảy qua kẽ tay răn reo. Mái đầu bạc phơ rung lên bần bật.

{keywords}

Nhân dân Mường Phăng đặt hoa tưởng niệm dưới chân đài Chiến thắng ở Mường Phăng.

“Vậy là chỉ còn lại mình tôi, từ hôm nghe tin Đại tướng mất, tôi muốn lên hầm Đại tướng mà chân yếu không đi được. Rồi tôi lại ước, ước gì tôi được về Hà Nội một lần, để gặp mặt Đại tướng lần cuối. Giờ tôi cứ nhìn thấy ảnh Đại tướng là tôi lại khóc” – cụ lại khóc.

Đám trẻ con, vây quanh nghe kể chuyện cũng khóc. Mấy chị người Thái ngồi phía ngoài cũng khóc... và tôi cũng khóc.

Dường như, cả rừng Mường Phăng cũng khóc. Tiếng gió não nề của đại ngàn, của ‘rừng Đại tướng’ nhớ thương Tướng Giáp vọng thẳm sâu xuống tầng đất nâu. Như tiếng của đất mẹ ngàn năm ru người lính già yên giấc ngủ ngàn thu.

Dù biết sinh ly tử biệt là quy luật thường tình, nhưng thông tin về sự “ra đi” của Đại tướng vẫn thật khó có thể chấp nhận, chỉ đơn giản bởi hình ảnh về một “Ải pú tạp xấc” (ông nội đánh giặc) của người Mường Phăng, vị Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam đã in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam nói chung và của bà con đồng bào Mường Phăng, Điện Biên nói riêng.

Rừng Mường Phăng ơi, hãy cứ ngút ngàn xanh…

Đại tướng ‘xin lỗi hẹn’ ngày trọng đại kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Rừng “Đại tướng’ không còn được đón người về...

Trần Hương