- Đổi mới giáo dục không phải chuyện riêng của Việt Nam. Ở những nước phát triển như Phần Lan, Anh, Nhật Bản, Mỹ...đòi hỏi những thay đổi trong giáo dục đang diễn ra cấp tập.

Phần Lan làm náo động thế giới

Thông tin Phần Lan sẽ thay việc dạy môn học bằng dạy theo chủ đề được đăng tải trên tờ The Independent của Anh, với khẳng định "đây là cải tiến chưa từng có" khiến giới học thuật thế giới được phen xôn xao.  Báo Ý, Bazil, Mỹ, Trung Quốc và cả Việt Nam không bỏ lỡ thông tin này.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm quản lý giáo dục Phần Lan đã lên tiếng chính thức bác bỏ.  Tờ Finland Times nói một quan chức giáo dục Phần Lan đã không giấu nổi cái cười khi trả lời qua email cho một phóng viên của tờ báo Trung Quôc Xinhua.  

{keywords}
Một lớp học ở Phần Lan. Ảnh minh họa

Phát ngôn viên này cho hay, thông tin trên không chính xác với những gì Phần Lan đang làm, song đường hướng của Phần Lan là tất cả các trường đều sẽ “có một thời gian tập trung vào một chủ đề nào đó nhận được sự quan tâm đặc biệt của học sinh”

Phương pháp tiếp cận mới này sẽ được phổ biến tới tất cả các trường từ tháng 8/2016. Thậm chí, đã có những trường ở Phần Lan đã áp dụng nó từ cách đây vài năm, do tất cả các thành phố của nước này đều được quyền tự chủ giáo dục.

Tuy nhiên, một thông tin khác cũng trên báo Anh, đến nay chưa thấy ngành giáo dục Phần Lan phản bác, là cách tạo giáo viên giỏi của nước này. Tờ Guardian của Anh, với mục tiêu phân tích chính sách của Thủ tướng Cameroon khi cho rằng cần tuyển những người thông minh nhất để đào tạo thành giáo viên, đã lấy bài học của Phần Lan để phản biện.

Theo bài báo này, các trường đại học Phần Lan chỉ chọn 10% thí sinh đăng ký ngành sư phạm và họ không phải là những người thông minh nhất - mà là những người có đam mê thực sự với nghề giáo.

Sở dĩ, tin tức về đổi mới giáo dục của Phần Lan nhận được nhiều sự quan tâm vì nước này được đánh giá là một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, được giới học thuật và báo giới phương Tây theo dõi sát sao và đánh giá cao.

Mỹ: Học sinh lớp 4 phản đối bài thi chuẩn hóa bậc tiểu học

{keywords}
Bé Sydney Smoot, 9 tuổi phát biểu trước Hội đồng trường học của hạt

Bài phát biểu phản đối kỳ thi chuẩn hóa mới của một bé gái 9 tuổi tới từ bang Florida, Mỹ đã gây ấn tượng mạnh với nhiều người xem.

Cô bé Sydney Smoot cho rằng bài kiểm tra này khiến 5 năm tiểu học của cô bé không hề có ý nghĩa gì.

Sydney cũng chỉ ra 3 lo ngại của bản thân về kỳ thi: Học sinh phải ký giấy cam kết không được bàn bạc về kỳ thi với cha mẹ; kỳ thi thí điểm một nơi nhưng áp dụng chỗ khác; kỳ thi này khiến Sydney và các bạn cảm thấy căng thẳng và áp lực một cách vô lý.

“Tại sao chúng tôi lại phải căng thẳng quá nhiều về một kỳ thi khi mà lẽ ra chúng tôi nên được học tập và vui vẻ khi ở trường?”- Câu hỏi mà Sydney đặt ra có lẽ không chỉ với giới chức giáo dục của bang nơi cô sống, mà còn là câu hỏi của không ít học sinh Việt Nam.

 Nhật muốn cải tổ dạy tiếng Anh

{keywords}
Một lớp học tiếng Anh ở Nhật Bản. Ảnh minh họa

Kết quả kiểm tra các kỹ năng tiếng Anh của học sinh lớp 12 nước này không được như mong đợi đã buộc Chính phủ Nhật Bản phải thay đổi cách dạy, học tiếng Anh ngay từ cấp tiểu học.

73% học sinh lớp 12 đạt mức tương đương với học sinh trung học cơ sở, 87% không đạt chuẩn trong kỹ năng viết và nói.

Chính vì thế, Chính phủ Nhật đang xem xét điều chỉnh độ tuổi bắt đầu học tiếng Anh là từ lớp 3 thay vì từ lớp 4 như trước. Các chuyên gia giáo dục cũng đề xuất nên tăng số giờ học tiếng Anh lên 2 buổi/ tuần với học sinh lớp 3 và 3 buổi/ tuần với học sinh lớp 5, 6.

Tuy nhiên, những thay đổi dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2020 này vẫn nhận được một số ý kiến trái chiều, lo ngại rằng việc học tiếng Anh quá sớm sẽ khiến các em không còn thời gian học tiếng mẹ đẻ.

Động thái đầu tư vào khả năng ngoại ngữ cho thế hệ trẻ Nhật Bản cũng nằm trong chiến lược quốc tế hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của giáo dục nước này trên trường quốc tế.

Những lời nhắn hài hước của thí sinh Ấn Độ

{keywords}
Học sinh Ấn Độ. Ảnh minh họa

Có thể nói những lời nhắn có một không hai trong bài thi của thí sinh Ấn Độ đã tiết lộ rất nhiều điều về xã hội nước này ngoài sự hài hước và đáng yêu của các em.

Một thí sinh viết rằng: “Nhà em rất nghèo nên không thể kẹp tiền mặt vào đây để gây ấn tượng với thầy cô. Xin thầy hãy cho em đỗ”. Lời nhắn nhủ này không phải là một câu trêu đùa khi mà chuyện các giáo viên chấm thi bắt gặp một vài tờ tiền được kẹp trong bài thi không phải là hiếm.

Trước đó, một số hình ảnh chụp lại cảnh trèo tường ném bài và mở tài liệu công khai trong một kỳ thi quốc gia của nước này đã khiến thế giới sửng sốt về tình trạng gian lận thi cử đã tồn tại từ rất lâu ở đây.

Trung Quốc trở lại với định kiến cũ về phụ nữ học cao

{keywords}

Một bài viết mới đây trên tờ QZ cho rằng Trung Quốc dường như đang quay trở lại với thành kiến phụ nữ chỉ nên ở nhà thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ. Khảo sát cho thấy, có vẻ như xã hội Trung Quốc đang kỳ thị với những phụ nữ có trình độ học vấn Tiến sĩ. 30% trong số 7.000 đàn ông được phỏng vấn cho biết họ sẽ không kết hôn với một phụ nữ có bằng tiến sĩ.

Thậm chí, nhiều người còn nói đùa rằng ở Trung  Quốc có 3 giới tính: đàn ông, phụ nữ và tiến sĩ nữ.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề nhân khẩu học – dân số già đi nhanh chóng, thì việc gây ra những áp lực và thành kiến nặng nề đối với phụ nữ có học vấn cao chỉ gây bất lợi cho sự phát triển kinh tế của nước này. Những áp lực xã hội sẽ khiến lực lượng lao động ngày một hạn chế của Trung Quốc lại càng bị thu hẹp do mất đi nguồn lao động từ những phụ nữ có trình độ.

ĐH Mỹ loại ¼ hồ sơ từ Thái Lan

{keywords}

Gian lận ngày một nhiều trong hồ sơ của các ứng viên Thái Lan đang khiến nước này nằm trong “danh sách đen” của các đại học uy tín ở Mỹ.

Một cán bộ tuyển sinh tới từ ĐH Tufts chia sẻ rằng mùa tuyển sinh năm 2013 ông đã phải loại bỏ ¼ số hồ sơ tới từ Thái Lan do nghi ngờ gian lận thành tích hoặc tự sáng tác lên những câu chuyện tuyệt vời để gây ấn tượng với trường.

Tờ CNN cho biết trong vài năm gần đây, việc lạm dụng các trung tâm tư vấn du học để làm đẹp hồ sơ xin học ngày một nhiều. Nhiều bài luận được các tư vấn viên viết giúp với cái giá khá đắt đỏ. Sự nuông chiều của cha mẹ khi thuê những huấn luyện viên dạy trả lời phỏng vấn và những cố vấn riêng giúp ứng viên chuẩn bị và nói dối trong quá trình nhập học khiến độ tin cậy của các ứng viên Thái Lan nói chung ngày càng tệ hơn.

Và hậu quả của tình trạng này là các ứng viên có tài thực sự cũng sẽ bị “họa” lây khi các trường sẽ dè dặt hơn rất nhiều trong việc chấp nhận hồ sơ tới từ nước này.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)