Con cá tra đem về hơn 8.800 tỷ đồng

Trái ngược với cảnh người nông dân ở nhiều địa phương tại ĐBSCL bị thua lỗ do giá cá tra không ổn định, các thành viên của HTX Dịch vụ Thuỷ sản Châu Thành (Đồng Tháp) lại duy trì lợi nhuận 500 - 1.000 đồng/kg cá nhờ tham gia liên kết với Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc HTX Dịch vụ Thủy sản Châu Thành - khoe, mô hình liên kết này tận dụng tối đa lợi thế sẵn có của địa phương, cùng kinh nghiệm nuôi cá lâu năm của các xã viên. Trong khi, doanh nghiệp hỗ trợ 100% thức ăn chăn nuôi cho cá, thu hồi vốn sau khi thu hoạch, đồng thời đảm bảo đầu ra ổn định thông qua việc ký kết các hợp đồng bao tiêu.

“Nhờ mô hình liên kết sản xuất này, các xã viên không chỉ vượt qua khủng hoảng giá cả khi bán cá tra, mà còn giảm chi phí đầu tư từ 1.500 - 2.000 đồng/kg cá so với hộ nuôi bên ngoài”, ông Bình chia sẻ.

Đáng chú ý, các xã viên không chỉ nhận được sự hỗ trợ từ doanh nghiệp mà còn từ chính HTX Dịch vụ Thủy sản Châu Thành. Đơn cử, xã viên sẽ được hưởng mức chiết khấu 6% trên tổng giá trị hóa đơn thức ăn, cùng các khoản vay không lãi để xoay vốn trong ngắn hạn.

dong thap 3.jpg
Nuôi trồng và chế biến cá tra là thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Bạch Hân

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp - ông Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ ngành cá tra, như: cấp mã số vùng nuôi, xây dựng chuỗi liên kết và đào tạo kỹ thuật nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, 60% diện tích nuôi cá tra tại tỉnh này đạt chuẩn quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho sản phẩm trên các thị trường xuất khẩu.

“HTX Dịch vụ Thủy sản Châu Thành là một trong 9 HTX của tỉnh Đồng Tháp được chọn thí điểm trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Mô hình này không chỉ giúp xã viên vượt qua khó khăn mà còn tạo cơ sở vững chắc để ngành cá tra phát triển bền vững”, ông Minh nhấn mạnh.

Chia sẻ về ngành hàng cá tra thế mạnh, ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp báo tin, năm 2024 giá trị sản xuất cá tra của tỉnh ước đạt hơn 8.800 tỷ đồng, tăng gần 3% so năm 2023 và chiếm trên 17% tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản tỉnh này.

Đồng Tháp hiện nay có hơn 2.600ha ao nuôi, sản lượng cá tra năm nay ước đạt 540.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm 2023. Tỉnh có hơn 900 cơ sở sản xuất và ương dưỡng cá tra giống. Năm 2024, các cơ sở ước tính sản xuất được 17 tỷ cá tra bột và 1,3 tỷ cá tra giống…

Sẵn sàng chuyển sang hành trình xanh và bền vững

Mới đây, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ hội cá tra với khẩu hiệu “Cá tra Đồng Tháp: Hành trình xanh - Giá trị xanh”. Đây cũng là con đường mà tỉnh hướng đến trong tái cơ cấu ngành hàng cá tra để thế mạnh này phát triển bền vững, đưa sản phẩm tiến vào những thị trường “khó tính” nhất trên thế giới.

Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá ở Đồng Tháp chia sẻ, các doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp ao nuôi để cơ quan chức năng thí điểm áp dụng công nghệ sản xuất mới.

Do đó, ông kiến nghị tỉnh và các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận giảm phát thải để xuất khẩu đa dạng hơn với các thị trường. Cùng với đó, hỗ trợ khâu sản xuất cá giống và chuẩn hóa việc sản xuất cá tra giống để đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, trong kế hoạch Tái cơ cấu ngành hàng cá tra đến năm 2025, Đồng Tháp đề ra mục tiêu có 100% cơ sở nuôi cá tra được số hóa mã nhận diện theo quy định; 100% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định; 50% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GAP và 90% diện tích hộ cá thể nuôi cá tra tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Phấn đấu trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao; đảm bảo 60% các cơ sở sinh sản cá tra bột phải sử dụng đàn cá cải thiện di truyền; 60% diện tích vùng nuôi có hệ thống xử lý nước thải, bùn thải theo quy định...

Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm cá tra, ông Nguyễn Phước Thiện nhấn mạnh, thời gian tới, doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chọn, lai tạo con giống mới. Đồng thời cải tiến phương thức sản xuất, chế biến làm tăng dần hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm cá tra, góp phần thúc đẩy ngành hàng cá tra phát triển.

Phải tăng cường đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị công nghệ từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm...

Bạch Hân