Các quan chức y tế Nhật Bản cho biết, số ca tử vong do Covid-19 kể từ đầu năm tới nay ở nước này đều vượt quá 100 trường hợp/ngày, chủ yếu là người cao tuổi, trong khi biến thể Omicron tiếp tục khiến hệ thống y tế ‘xứ sở hoa anh đào’ khốn đốn.
Ảnh: Kyodo News |
“Các ca tử vong đã tăng lên do những trường hợp mắc mới luôn ở mức cao, cho dù biến thể Omicron ít nguy hiểm như chủng Delta, vốn đã gây ra một đợt bùng phát vào hè năm ngoái. Điểm mấu chốt hiện nay là làm thế nào chúng ta có thể làm giảm số ca nhiễm mới ở người cao tuổi. Điều quan trọng là phải thúc đẩy các biện pháp đối phó dịch bệnh tại các viện dưỡng lão, cũng như thúc đẩy tiêm mũi vắc xin tăng cường”, chuyên gia y tế Takaji Wakita nhận định.
Theo số liệu chính thức được Kyodo News công bố, hiện mới chỉ có 7,9% người dân Nhật Bản được nhận liều tăng cường. Thủ tướng Kishida Fumio đã đặt ra mục tiêu tiêm được một triệu mũi vắc xin tăng cường/ngày vào cuối tháng này.
Ở một diễn biến khác, Tập đoàn dược phẩm Nhật Bản Shionogi & Co cho biết, họ sẽ cùng Bệnh viện Đại học Chiba thành lập một trung tâm nghiên cứu vào tháng Tư, để phát triển một loại vắc xin phòng Covid-19 dưới dạng xịt. “Chúng tôi muốn ứng phó với các đại dịch trong tương lai thông qua việc sử dụng những loại vắc xin dưới dạng xịt”, Chủ tịch Tập đoàn Shionogi, ông Isao Teshirogi nói với Kyodo News.
WHO dự báo Covid-19 còn kéo dài do các biến thể
Theo bà Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch Covid-19 sẽ chưa kết thúc nếu biến thể mới còn có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu.
“Tôi nghĩ rằng không có bất kỳ ai có thể dự đoán được điều đó. Đừng tuyên bố rằng đại dịch đã qua đi, giống như điều mà một số người đang làm hiện nay. Sẽ thật ngu ngốc nếu chúng ta bỏ tất cả các biện pháp phòng ngừa bản thân đã thực hiện bấy lâu nay. Chúng ta cần tiếp tục các biện pháp đó, và hy vọng chúng ta sẽ ở một vị thế chống dịch tốt hơn vào cuối năm nay”, bà Swaminathan nói với tờ Hindustan Times.
Theo bà Swaminathan, chính các chính sách của những nước giàu trong việc đảm bảo người dân có thể tiếp cận nhiều loại vắc xin phòng Covid-19, đã đẩy chính quyền nhiều quốc gia nghèo phải “vật lộn” trong việc đảm bảo nguồn vắc xin cho người dân của họ.
“Những chính sách này đã góp phần làm xuất hiện một số biến thể của Covid-19, tôi nghĩ rằng mình có thể nói như thế. Có tới 85% người dân sinh sống ở châu Phi chưa được nhận mũi tiêm đầu, và điều này khiến cho nhiều biến thể mới phát triển. Bởi việc lây nhiễm virus tại đó không được kiểm soát”, bà Swaminathan nói thêm.
Một số diễn biến khác về dịch bệnh
Cập nhật lúc 5h sáng ngày 12/2 của trang thống kê toàn cầu Worldometers cho thấy, dịch Covid-19 đang hoành hành ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm virus cho hơn 408,5 triệu người và cướp đi mạng sống của hơn 5,81 triệu bệnh nhân. Số hồi phục đạt hơn 328,3 triệu trường hợp.
Giới chức Anh hôm 11/2 cho biết, họ đang theo dõi tình hình sức khỏe của Nữ hoàng Elizabeth II, sau khi bà có tiếp xúc với Thái tử Charles, người được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2 một ngày trước đó. “Dù Nữ hoàng không hề có bất kỳ biểu hiện gì, nhưng bà đã tiếp xúc với Thái tử Charles vào hôm 8/2. Tình hình sức khỏe của Nữ hoàng sẽ tiếp tục được theo dõi”, nguồn tin giấu tên nói với hãng thông tấn Sputnik.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Tuấn Trần
Bóng đen Covid-19 trải dài Nga, Đức; Thái tử Anh tái nhiễm bệnh
Ngày 10/2, Nga cùng Đức tiếp tục chạm đỉnh số ca nhiễm mới. Trong khi đó, văn phòng thái tử Anh cho biết, Thái tử Charles đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Nga, Hàn Quốc chạm đỉnh mới, Thuỵ Điển tuyên bố chấm dứt đại dịch Covid-19
Ngày 9/2, Nga cùng Hàn Quốc tiếp tục chạm đỉnh số ca nhiễm mới, trong khi Bộ trưởng Y tế Thuỵ Điển Lena Hallengren tuyên bố đại dịch Covid-19 đã chấm dứt tại nước này.