- Đại dịch cúm gia cầm A H5N1 bắt đầu bùng phát mạnh mẽ từ năm 2003, cho đến nay vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Việc nắm được các con đường lây truyền Cúm A H5N1 có thể giúp bạn có biện pháp phòng chống căn bệnh này hữu hiệu.
Các con đường lây truyền cúm A H5N1
Các chủng của virus cúm H5N1 có thể xâm nhiễm vào nhiều loại động vật khác nhau như hầu hết các loài chim, động vật có vú và con người. Bệnh cúm A H5N1 có thể lây truyền qua không khí và phân bón, nhưng cũng có thể lây nhiễm từ thức ăn, nước, dụng cụ và quần áo.
Các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm virus hoặc ăn thức ăn như thịt, trứng, sữa của động vật bị nhiễm virus H5N1 là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến mắc bệnh cúm A H5N1 đối với con người.
Tuy nhiên, hiện tại chưa có nghiên cứu nào cho thấy virus cúm H5N1 có thể sống sót trong thức ăn đã được nấu chín.
Các biện pháp phòng chống bệnh cúm A H5N1
Đảm bảo vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và xung quanh nhà:
Tiêm vắc xin cúm A H5N1 cho gia cầm ở những vùng có nguy cơ mắc bệnh cao.
Cần thường xuyên quét dọn, rửa và phun thuốc diệt khuẩn trong khu vực chăn nuôi gia xúc gia cầm.
Không sử dụng phân gia cầm làm phân bón. Khi có gia xúc gia cầm bị chết do cúm A H5N1 thì cần báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời có các biện pháp ngăn chặn Cúm A H5N1 lan rộng ra các khu vực.
Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong cuộc sống hàng ngày:
Hạn chế tối đa tiếp xúc với gia cầm, kể cả khi chúng chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh, trang bị đầy đủ găng tay, khẩu trang và các vật dụng cần thiết khi buộc phải trực tiếp giết mổ gia cầm.
Với gia cầm nghi có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc đã chết thì không nên tiếc mà giết mổ, ăn các loại gia cầm đó mà phải đem đi tiêu hủy ngay.
Khi chế biến thức ăn và trước khi ăn cần phải rửa tay thật kỹ với xà phòng diệt khuẩn và nước sạch….
Chỉ sử dụng các chế phẩm từ gia cầm như: thịt, trứng… đã được nấu chín hoàn toàn. Không ăn các món ăn không đảm bảo vệ sinh như tiết canh vịt, tiết canh gà, húp trứng sống…
Nên dùng hai thớt riêng để thái đồ ăn chín và đồ ăn sống. Khi sử dụng đồ đạc xoong chảo, dao thớt… cần rửa sạch qua nước sôi.
Chỉ nên mua các sản phẩm đã được kiểm dịch của cơ quan chức năng.
Chăm sóc sức khỏe để có sức đề kháng tốt nhất:
Để nâng cao sức khỏe cần có chế độ ăn uống hợp lí, đầy đủ các chất dinh dưỡng. ăn uống nghỉ ngơi một cách khoa học.
Chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao, giữ gìn vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với các môi trường có nguồn bệnh….
Trẻ em có sức đề kháng kém hơn người lớn chính vì vậy cần hết sức để ý và quan tâm đến các con em mình, không để bé tiếp xúc với gia cầm hoặc chơi đùa gần chuồng trại chăn nuôi.
Khi thấy người có biểu hiện như sốt cao đột ngột, ho khan, đau cơ…cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để bảo vệ tốt nhất cho bản thân và gia đình trước dịch cúm A H5N1 mỗi người cần có ý thức tuan thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng tránh để hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh.
Dương Thị Uyên