- Dự thảo luật về Hội quy định nhà nước hỗ trợ và tạo điều kiện hoạt động khi hội thực hiện nhiệm vụ được nhà nước giao.

Khi dự thảo luật được trình lần đầu ra QH khóa trước, quy định “Đối với các hội thành lập do nhu cầu của Đảng và nhà nước, được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động” nhận được nhiều ý kiến ĐB.

Có ý kiến tán thành, có ý kiến đề nghị thực hiện theo đúng luật Ngân sách NN 2015, bảo đảm sự bình đẳng giữa các hội, tránh cơ chế xin cho.

Do đó, khi dự thảo được Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình lại tại hội nghị ĐBQH chuyên trách hôm nay, các quy định liên quan đến vấn đề này đã được cụ thể hóa hơn. 

{keywords}

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Một mặt nhấn mạnh nguyên tắc hoạt động của hội là "tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật", một mặt mở ra khả năng "nhà nước hỗ trợ và tạo điều kiện hoạt động khi hội thực hiện nhiệm vụ được nhà nước giao".

Kinh phí nhà nước cấp này được tính là một nguồn tài sản và nguồn thu của hội. Dự thảo yêu cầu "việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội có nguồn từ ngân sách nhà nước cấp để hỗ trợ nhiệm vụ được nhà nước giao phải thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Thảo luận tại hội nghị hôm nay, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, ủy viên thường trực UB Các vấn đề xã hội QH nhấn mạnh tính tự chủ của các tổ chức hội.

"Trong tình hình ngân sách khó khăn, chúng ta không thể bao cấp mãi cho các hội hoạt động. Nhà nước chỉ hỗ trợ hoặc đảm bảo kinh phí cho các hoạt động mà nhà nước giao chứ không cấp kinh phí tràn lan", ông Nhưỡng nói.

Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Bùi Sỹ Lợi cũng muốn luật ghi rõ Nhà nước tạo điều kiện và cấp kinh phí khi hội thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, chứ không khuyến khích.

{keywords}

TS. Hoàng Ngọc Giao

TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển, thì thẳng thắn chỉ ra các tổ chức hội đang tiêu xài ngân sách nhà nước "khó kiểm soát".

"Kinh phí dành cho khối này theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính sách kinh tế ĐH Quốc gia, năm 2016 là 14.000 tỷ đồng; riêng Liên minh Hợp tác xã là 112 tỷ. Tính cả tài sản của các tổ chức này là 68.000 tỷ đồng, chiếm 1,7% GDP, chưa kể nguồn lực cán bộ", ông Giao ủng hộ sớm thực hiện khoán hoặc hỗ trợ theo nhiệm vụ Nhà nước giao.

"Cần xóa bỏ dần bao cấp với các tổ chức này, để họ tự lo, tự sống. Trao quyền cho họ tự gây quỹ, huy động viện trợ nước ngoài hay hỗ trợ của doanh nghiệp..., để họ đỡ bám nguồn sữa mẹ là ngân sách".

Chung Hoàng