Theo Reuters, kết quả của nhiều ngày đàm phán căng thẳng giữa các nhà ngoại giao ở cuộc họp G20 tại Rome, Italia khiến gánh nặng đè lên hội nghị thượng đỉnh lớn hơn của Liên Hợp Quốc về khí hậu (COP26) sắp diễn ra ở Scotland từ 31/1 - 12/11.
Lãnh đạo các nước tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome, Italia chụp ảnh lưu niệm ngày 30/10. Ảnh: Reuters |
Các nước thành viên G20, bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và Brazil, hiện ước tính chiếm tới 80% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Tuyên bố bế mạc thượng đỉnh G20 hôm 31/10 cho biết, các kế hoạch quốc gia nhằm cắt giảm khí thải sẽ phải được tăng cường "nếu cần thiết" và đặt mục tiêu đến năm 2050 là thời điểm đưa phát thải khí các-bon độc hại xuống bằng 0.
Tuy nhiên, Trung Quốc, nước đang phát thải các-bon lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu vào năm 2060, trong khi các nước phát thải lượng lớn khí gây ô nhiễm khác như Ấn Độ và Nga không cam kết mục tiêu đến năm 2050.
Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc nói, ngay cả khi các kế hoạch quốc gia hiện tại được thực hiện đầy đủ, thế giới dự kiến vẫn phải chứng kiến tình trạng tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2,7 độ C, đi kèm với việc gia tăng các thiên tai thảm khốc như hạn hán, mưa bão và lũ lụt.
Tuyên bố chung của G20 cũng chứa đựng cam kết chấm dứt tài trợ cho các hoạt động sản xuất điện bằng than đá ở nước ngoài vào cuối năm nay, nhưng không ấn định thời gian cụ thể mà chỉ hứa hẹn sẽ làm như vậy "càng sớm càng tốt". Các lãnh đạo nhóm cũng không đưa ra thời gian biểu về việc loại bỏ dần các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, mà chỉ cho biết sẽ nỗ lực thực hiện điều này "trong trung hạn".
Tuấn Anh
Mỹ - Trung đối thoại về nhiều vấn đề 'nóng' bên lề thượng đỉnh G20
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã đối thoại thẳng thắn về nhiều vấn đề gây tranh cãi giữa hai nước khi gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome ngày 31/10.
G20 phê chuẩn thỏa thuận đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, các nhà lãnh đạo G20 đã thông qua mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia.