Cùng với đó, một số cửa hàng kinh doanh LPG không đảm bảo các yêu cầu tối thiểu theo quy định thiết kế, tiêu chuẩnkỹ thuật cũng như hình thức bốc xếp, bảo quản chai gas LPG; Tận dụng nhà ở làm nơi kinh doanh, không có hệ thống kho dự trữ riêng biệt, kinh doanh gas chung với nhiều mặt hàng khác; Lao động trong cửa hàng kinh doanh gas không ổn định, thường xuyên thay đổi nên việc tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên không thể kịp thời; Việc thực hiện xuất hóa đơn bán hàng của thương nhân tổng đại lý, đại lý còn lỏng lẻo, không ghi rõ nhãn hiệu LPG chai, tại mục tên hàng hóa, dịch vụ chỉ ghi “khí dầu mỏ hóa lỏng” mà không ghi rõ các nhãn hiệu, không có thông tin số seri chai, loại chai, thời gian ghi kiểm định, nên khó đối chiếu với hàng hóa đang được kinh doanh thực tế tại cửa hàng.
Việc đăng ký thông tin hệ thống phân phối với Sở Công Thương của các DN kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng không thực hiện đầy đủ nên khó khăn trong việc theo dõi, quản lý. Số lượng cửa hàng kinh doanh gas đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thấp hơn số lượng cửa hàng hiện đang kinh doanh LPG.
Chống hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng... để đảm bảo an toàn
Ông Kiều Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách-Pháp chế, Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương).
Bên cạnh đó, ông Kiều Dương cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc khi xử lý hành vi vi phạm trong kinh doanh LPG. Đơn cử như việc mặc dù công tác tuyên truyền thực hiện tốt nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn cố tình sử dụng dù biết các bình gas mini trên thị trường chỉ được dùng một lần. Nhiều đại lý, điểm đổi gas nhỏ lẻ vì lợi nhuận đã tái sử dụng chai LPG mini nhiều lần cho dù loại bình đã quá cũ, gỉ sét, bong tróc sơn không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.
Trong quá trình sử dụng chai LPG của người dân thường xuyên thay đổi chủng loại, nhãn hiệu dẫn đến việc các cửa hàng, trạm chiết nạp tồn trữ chai LPG của thương nhân khác. Cơ chế đổi trả chai LPG giữa các DN phân phối, nạp LPG vào chai chưa rõ ràng hoặc hợp đồng trao đổi chai LPG không được một số DN thực hiện nghiêm, tự ý dừng Hợp đồng trao đổi đã thỏa thuận nên tiềm ẩn tình trạng chiếm dụng chai LPG của nhau, nên khó kiểm soát hạn sử dụng của chai LPG lưu thông trên thị trường.
Một số cơ sở kinh doanh LPG sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng không đảm bảo duy trì các điều kiện theo quy định, các thủ tục hành chính, con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Ngoài các DN, đại lý, cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng chấp hành tương đối tốt hoạt động kinh doanh (có Giấy chứng nhận đủ điều kiện và đảm bảo các điều kiện kinh doanh) thì vẫn còn một số hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện, không đảm bảo các điều kiện kinh doanh LPG, kinh doanh cùng với các loại hàng hóa khác, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa.
Từ đó, ông Dương kiến nghị, cần tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Thanh tra chuyên ngành và các lực lượng khác nhằm xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Đặc biệt, kiên quyết xoá bỏ tình trạng sang chiết gas trái phép, gây mất an toàn phòng chống cháy nổ, đe doạ đến tính mạng người sử dụng.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho các DN, các cơ sở kinh doanh LPG, tổ chức cho các cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát sau ký cam kết...
Theo vietq