Kính thưa đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39!
Kính thưa đồng chí Trung tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam!
Kính thưa đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 39!
Kính thưa các đồng chí đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương!
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định; các chuyên gia, các nhà khoa học!
Thưa quý vị đại biểu khách quý cùng tất cả các đồng chí!
Hôm nay, Quảng Nam rất vui mừng và vinh dự được Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39 và Ban Kinh tế Trung ương chọn là nơi tổ chức Tọa đàm “Liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới”. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, tôi xin trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành Trung ương; đại biểu lãnh đạo các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; các chuyên gia, nhà khoa học cùng toàn thể quý vị đại biểu khách quý về tham dự buổi Tọa đàm lời chào mừng nồng nhiệt nhất, chúc buổi Tọa đàm hôm nay thành công tốt đẹp!
Kính thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!
Quảng Nam là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với diện tích tự nhiên 10.574 km2, dân số hơn 1,5 triệu người. Toàn tỉnh có 18 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 02 thành phố (Tam Kỳ, Hội An), 01 thị xã (Điện Bàn) và 15 huyện (trong đó, có 09 huyện miền núi).
Quảng Nam được biết đến là địa phương có 02 di sản văn hóa thế giới: Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm với vẻ đẹp hoang sơ và nhiều loại sản vật quý hiếm; trải dài trên địa bàn 06 huyện, thị xã, thành phố có 125 km bờ biển - Đây chính là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, Khu kinh tế mở Chu Lai - Quảng Nam là Khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực là lợi thế quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển bức phá đi lên của Quảng Nam.
Kính thưa toàn thể các đồng chí!
Quảng Nam xuất phát điểm là tỉnh thuần nông, là một trong những địa phương nghèo nhất cả nước trong thời điểm vừa chia tách và là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra nên khó khăn chồng khó khăn. Với truyền thống cách mạng “trung dũng, kiên cường”, ý chí quyết tâm, chung sức, đồng lòng, sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW; Quảng Nam đã từng bước liên kết, hợp tác phát triển KT-XH với các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên; đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vươn lên trong từng giai đoạn đổi mới và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đưa Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển vươn lên thành một tỉnh khá trong khu vực, có quy mô nền kinh tế đạt gần 103 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 14,5 lần so với năm 2004, đứng thứ 02/05 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và xếp thứ 04/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh có những tín hiệu phát triển rất khả quan; chỉ số sản xuất trên các lĩnh vực tăng mạnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt gần 60 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 3/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (sau Thanh Hóa và Nghệ An). Tốc độ tăng trưởng (theo giá so sánh) đạt 12,8% so với cùng kỳ năm 2021, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, là địa phương có quy mô và mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện là 18.681 tỷ đồng (đạt 78,8% dự toán năm); trong đó, thu nội địa đạt hơn 13.600 tỷ đồng (đạt 71,6% dự toán năm). An sinh, phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm, bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường. Công tác quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, Quảng Nam đã tổ chức à Lễ kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam và kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Quảng Nam (1997 - 2022) để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Gần đây, Quảng Nam đã tổ chức thành công Lễ khai mạc cùng hàng loạt chuỗi sự kiện, hoạt động khởi động Năm du lịch Quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” … Hình ảnh, vị thế của Quảng Nam tiếp tục được khẳng định và nâng lên tầm cao mới.
Kính thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!
Quán triệt sâu sắc định hướng, mục tiêu Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị đề ra, các cấp, các ngành của tỉnh Quảng Nam đã khai thác tốt các lợi thế chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hóa và đối ngoại để tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò là nhân tố quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển; các chương trình, dự án đầu tư có trọng điểm, đạt nhiều kết quả trên tất cả các ngành, lĩnh vực; nhiều công trình quan trọng, có tính chất liên vùng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, thúc đẩy lan toả phát triển, kết nối giữa đồng bằng ven biển và miền núi, giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung. Hình thành, phát huy tốt tiềm lực công nghiệp với định hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực và phát triển công nghiệp hỗ trợ; việc tạo dựng được môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; nhờ đó, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước và tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới đã đến đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, như: Thaco, VinGroup, Hyundai, Mazda,...
Kính thưa các đồng chí!
Các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo của đất nước. Để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của cả Vùng nói chung và Quảng Nam nói riêng, nhân buổi Tọa đàm này, rất mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng BCĐ xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 39 và các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương để Trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy sự phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đồng thời, tạo điều kiện để Quảng Nam có một số cơ chế mang tính chiến lược, cụ thể như: Cơ chế, chính sách đặc thù, đề án để bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn; xây dựng Đề án xã hội hoá đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai gắn với Khu phi thuế quan Tam Quang; xây dựng hệ thống cảng biển Quảng Nam và dịch vụ hậu cần, bến bãi; điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai sau khi Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các kiến nghị liên quan khác; đầu tư xây dựng đường Quốc lộ 14D, Quốc lộ 14E và hình thành Khu phức hợp giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc tế và trung tâm đào tạo nghề cấp vùng.
Kính thưa các đồng chí!
Trước bối cảnh thách thức và yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của quá trình hội nhập, cạnh tranh quốc tế, của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các lợi thế dần bị thu hẹp; các thách thức về giao thông, môi trường, dân số, hiện tượng cực đoan về biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thời gian gần đây… đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững chung của cả Vùng và của từng địa phương. Do đó, việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong Vùng theo nguyên tắc cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau có lợi, khai thác hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng kết nối nội vùng, liên vùng; đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh các ngành, lĩnh vực nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương là hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc tổ chức Tọa đàm lần này là cơ hội để chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận các vấn đề cần quan tâm trong liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy liên kết, phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đi đúng hướng, thực sự trở thành vùng động lực, đầu tàu kinh tế mạnh, có sức lan tỏa lớn cho cả Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và cả nước.
Tọa đàm được tổ chức tại Quảng Nam là cơ hội rất tốt để chúng tôi được tiếp cận thêm nhiều thông tin hữu ích, lĩnh hội những ý kiến tâm huyết từ các chuyên gia, nhà khoa học, giúp Quảng Nam nhận diện rõ hơn cơ hội, thách thức để tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh trong định hướng phát triển toàn diện, phấn đấu trở thành đầu mối, “trạm trung chuyển quốc tế” đi các nước trên thế giới của khu vực và cả nước trong thời gian đến.
Nhân diễn đàn này, thay mặt Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, các ban, bộ, ngành Trung ương đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ Quảng Nam; cảm ơn các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã luôn phối hợp, đồng hành cùng sự phát triển của Quảng Nam trong thời gian qua. Rất mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các đồng chí trong thời gian đến.
Thời gian tổ chức Tọa đàm vào dịp cuối tuần, hy vọng nhân chuyến công tác này, các đoàn đại biểu Trung ương và các tỉnh, thành có thể trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá về nét độc đáo của 02 di sản văn hóa thế giới; thăm các danh lam, thắng cảnh, khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh; thưởng thức hương vị ẩm đặc sản của Quảng Nam. Qua đó, các đồng chí sẽ hiểu hơn về đất và người Quảng Nam - Danh xưng của một vùng đất mở cách đây 550 năm.
Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, xin kính chúc các đồng chí cùng toàn thể quý vị đại biểu dự Tọa đàm mạnh khỏe, bình an và thành công trong cuộc sống. Chúc Tọa đàm thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!