Việc công nhận “Hộ chiếu vắc xin” đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo từ tháng 9/2021. Thông báo của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, trên thế giới có nhiều quốc gia áp dụng “Hộ chiếu vắc xin” để mở cửa nền kinh tế, đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Việc công nhận “Hộ chiếu vắc xin” lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Thủ tướng đã giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác để công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vắc xin”. Tính đến đầu tháng 3, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận “Hộ chiếu vắc xin” với 15 nước.
Tính đến đầu tháng 3, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận “Hộ chiếu vắc xin” với 15 nước (Ảnh minh họa: tapchimattran.vn) |
Liên quan đến việc triển khai “Hộ chiếu vắc xin”, cuối tháng 10/2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có chỉ đạo về áp dụng “Hộ chiếu vắc xin” và các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì ban hành thống nhất mẫu “Hộ chiếu vắc xin” của Việt Nam ở dạng giấy và điện tử (có cơ chế xác thực điện tử).
Với vai trò quản lý nhà nước về CNTT, Bộ TT&TT đã chủ động dự thảo quy trình ký số nhằm đảm bảo tính pháp lý của dữ liệu tiêm chủng gửi Bộ Y tế tham khảo và xin ý kiến các đơn vị liên quan và góp ý các vấn đề liên quan trong quá trình ban hành biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin”.
Trước khi Bộ Y tế ban hành mẫu biểu và quy trình cấp "Hộ chiếu vắc xin", Bộ TT&TT đã hướng dẫn chi tiết kỹ thuật ký số và định dạng mã QR đạt chuẩn châu Âu (Ảnh minh họa chứng nhận điện tử đã tiêm vắc xin Covid-19 của Việt Nam trên thiết bị di động) |
Ngày 20/12/2021, Bộ Y tế ra quyết định ban hành biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin”. Theo đó, “Hộ chiếu vắc xin” của Việt Nam sẽ hiển thị 11 trường thông tin. Các thông tin này sẽ được ký số, mã hóa và đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D. Về quy trình, việc cấp “Hộ chiếu vắc xin” gồm 3 bước: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vắc xin Covid-19; Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tập trung.
Cũng trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp cùng Bộ Y tế hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị phát triển hoàn thiện những ứng dụng liên quan đến việc triển khai cấp “Hộ chiếu vắc xin” của Bộ Y tế, cụ thể là tích hợp chức năng ký số vào Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Đến nay, các ứng dụng công nghệ liên quan đến việc cấp “Hộ chiếu vắc xin” đã đáp ứng được yêu cầu triển khai.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Bộ Y tế mới đây, Bộ TT&TT chỉ rõ, để việc cấp “Hộ chiếu vắc xin” đi vào thực tiễn và đạt hiệu quả cần chú ý một số vướng mắc, cụ thể là: Thông tin tiêm chủng Covid-19 của người dân cần được cơ sở tiêm chủng cập nhật thường xuyên và chính xác; Những đơn vị liên quan cần thực hiện đúng và đầy đủ các bước đã quy định tại Quyết định 5772 ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế về ban hành biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin”.
“Trong trường hợp thông tin tiêm của người dân được cập nhật không đầy đủ, chưa chính xác hoặc không được ký số bởi cơ quan có thẩm quyền thì người dân có thể không được cấp “Hộ chiếu vắc xin”. Vì vậy, TT&TT đề xuất Bộ Y tế có cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, vướng mắc của người dân liên quan đến việc cấp Hộ chiếu vắc xin”, Bộ TT&TT đề nghị.
Trước đó, vào ngày 22/2, Bộ Y tế cho biết chưa thể thử nghiệm cấp “Hộ chiếu vắc xin” ở Việt Nam theo lộ trình do vấn đề triển khai ký số xuống các địa phương còn khó khăn.
Theo lý giải của Bộ Y tế, chức năng ký số trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 phải ký được cả dữ liệu định dạng json, nhưng hiện mới ký được định dạng tệp pdf. Quy trình ký số cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định đơn vị ký tập trung (Sở Y tế hoặc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh), hoặc các cơ sở tiêm chủng ký tùy theo khả năng, tình hình thực tế. Quy định cũng cho phép sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp khác nhau, song hiện giờ mới xây dựng chức năng ký số sử dụng chữ ký số của Viettel.
Vân Anh
“Hộ chiếu vắc xin” của Việt Nam hiển thị 11 trường thông tin được mã hóa
Theo biểu mẫu mới được Bộ Y tế ban hành, “Hộ chiếu vắc xin” của Việt Nam sẽ hiển thị 11 trường thông tin. Các thông tin này sẽ được ký số, mã hóa và được đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D.