Với 3 kênh YouTube, mỗi tháng anh H.V. (25 tuổi, TP.HCM) kiếm được hơn 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí bản quyền. Riêng cuối năm là thời gian đạt doanh thu đỉnh điểm, đơn cử như tháng 9 anh nhận về hơn 300 triệu đồng.
Đáng chú ý, anh chỉ tốn 3% phí hoa hồng cho đối tác nhận tiền ở châu Âu, thay vì 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC đối với cá nhân có thu nhập từ kinh doanh trên 100 triệu đồng/năm.
Lo bị truy nguồn gốc thu nhập
"Tôi không nhận trực tiếp nguồn tiền từ YouTube mà có một đối tác tin cậy ở châu Âu nhận thay rồi chuyển lại cho tôi như người thân, bạn bè chuyển khoản thông thường. Có lẽ họ cũng tìm cách lách thuế ở nước họ, nên phí hoa hồng chỉ 3%, thấp hơn rất nhiều so với mức thuế quy định 7% của Việt Nam", anh H.V. kể.
Tuy nhiên, anh cho rằng cách làm này không quá phổ biến. Đa số cá nhân kiếm tiền trên Facebook, YouTube hay các nền tảng nước ngoài nhận tiền trực tiếp từ những doanh nghiệp này thông qua ví Paypal, ví Payoneer hoặc chuyển khoản ngân hàng và sau đó không kê khai để đóng thuế. Chỉ những cá nhân làm việc với các mạng đa kênh (MCN) của Việt Nam như Pops, Điền Quân, Metub, MCV Media, Vie Network, BH Media... thì mới được hỗ trợ khấu trừ thuế.
"Ai làm trong ngành này, nếu thu nhập kha khá thì đều sợ thuế, và đa số đều tìm cách lách thuế, trốn thuế", anh nói.
Những người có thu nhập chính đến từ các nền tảng trực tuyến như YouTube, Facebook... thường nhận tiền trực tiếp về tài khoản hoặc ví điện tử. Ảnh: TL. |
Tuy nhiên, theo Nghị định 126 có hiệu lực từ 5/12 cho phép người đứng đầu cơ quan thuế được đề nghị ngân hàng cung cấp các thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư... của khách hàng, YouTuber này bày tỏ lo lắng sẽ bị truy thu nguồn gốc của thu nhập.
"Tôi đang khá lo ngại. Với cách lách của tôi thì có thể hy vọng cơ quan thuế không xác định được nguồn tiền đến từ YouTube. Nhưng suy cho cùng, số tiền cộng vào tài khoản tôi mỗi tháng là không thể chối cãi, nếu người ta điều tra kỹ hơn và truy thu thì cũng chịu thôi.", anh H.V. chia sẻ.
Tương tự, chị K.N. (28 tuổi, TP.HCM), chuyên làm freelancer, cũng e ngại trước nghị định mới. Trước nay, chị nhận việc không thông qua hợp đồng, do đó không kê khai khoản thu nhập này và đóng thuế thu nhập cá nhân tương ứng.
“Nếu cơ quan thuế theo dõi được các giao dịch qua tài khoản ngân hàng của tôi, thì rõ ràng sẽ thấy được hàng loạt nguồn thu không cố định nhưng liên tục, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/lần. Như vậy, họ có thể xác minh lại và truy thu. Thu nhập của tôi không nhiều nên tiền thuế có thể không đáng là bao, nhưng tôi ngại các thủ tục rườm rà và tiền phạt chậm nộp”, chị K.N nói.
Trong khi đó, những cá nhân, doanh nghiệp không có hành vi vi phạm nào về thuế lại tỏ ra không hài lòng khi thông tin cá nhân và lịch sử giao dịch của mình bị tiết lộ cho bên thứ ba.
“Tôi không muốn thông tin của mình và công ty bị cung cấp lung tung, nên rất quan tâm đến động thái của ngân hàng, xem họ phản ứng ra sao trước yêu cầu của cơ quan thuế. Đồng thời, quy trình cung cấp và xử lý thông tin giữa hai bên cũng cần minh bạch để người dân yên tâm, chứ thời đại 4.0, khuyến khích không tiền mặt mà lại bất cập trong bảo mật thông tin thì ngược đời quá”, chị N.X. - chủ một doanh nghiệp F&B chia sẻ.
Còn nhiều lỗ hổng để “lách luật”
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người cho biết sẽ sẵn lòng thực hiện những quy định mới nếu cần thiết. Chị Huyền Anh, một người kinh doanh trên nền tảng lưu trú Airbnb nhiều năm tại TP.HCM, cho biết gia đình chị vẫn đóng thuế thu nhập cá nhân 10% từ khoản đầu tư này thường xuyên theo quý.
“Từ lâu tôi đã luôn thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nên nếu quy định mới áp dụng chung cho mọi người thì không có gì đáng lo ngại”, chị Huyền Anh khẳng định.
Các khoản thu của chị Huyền Anh được Airbnb chuyển qua hình thức chuyển khoản và đóng thuế dựa trên số tiền kê khai trên hợp đồng thuê.
“Thông thường chúng tôi khấu trừ chi phí này trước với khách để tránh việc bị đánh thuế cả trên chi phí vì hộ kinh doanh không được khấu trừ nên khá thiệt thòi”, chị chia sẻ.
Là một người đã sinh sống tại Việt Nam gần 6 năm, ông J.M. (quốc tịch Anh) đang làm việc tại một công ty tư vấn đầu tư quốc tế cho biết quy định mới của Tổng cục Thuế đã được thực hiện ở Anh từ lâu.
Quy định về cách thức nộp thuế TNCN tại Việt Nam được đánh giá là chưa thuận tiện. Ảnh: TL. |
Cụ thể, Cơ quan Thuế và Hải quan Anh có quy định đối với quyền thông tin dân sự của cơ quan này. Theo đó, các tổ chức tài chính như ngân hàng có thể được yêu cầu cung cấp thông tin cho mục đích kiểm tra tình trạng đóng thuế của người nộp thuế trong một số trường hợp.
“Hoàn toàn dễ hiểu với quy định mới của Tổng cục Thuế Việt Nam trong việc quản lý thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là sau trường hợp năm 2018 của lập trình viên 20 tuổi ở Quảng Nam - người nợ 4,1 tỷ đồng thuế TNCN từ doanh thu quảng cáo trực tuyến”, ông J.M. nói.
Ông J.M. cho rằng mặc dù những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam vào thời điểm này là rất cần thiết, nhất là khi lượng sản phẩm và các dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam ngày càng tăng cao, khoản thuế họ có thể thu được sẽ chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng số thuế cần thu từ các nguồn thu nhập chưa kê khai từ kinh doanh trực tuyến.
Những người có thu nhập đáng kể từ dịch vụ trực tuyến chủ yếu là các nhà phát triển phần mềm, tiếp thị hoặc thương mại điện tử, do đó họ rất hiểu biết và chỉ cần 2 phút là có thể tìm ra các dịch vụ chuyển tiền để lách luật và chuyển tiền dến một tài khoản ngân hàng khác mang tên người đó bên ngoài Việt Nam.
“Tiền trong tài khoản ngân hàng mang tên một người ở nước ngoài có thể chuyển vào tài khoản ngân hàng của họ tại Việt Nam một cách tự do với danh nghĩa là một giao dịch "tự chuyển tiền". Do đó, rất khó để bất kỳ cơ quan chính phủ nào đặt câu hỏi”, ông phân tích thêm.
Ngoài ra, ông cũng nhận định người dân ở Anh có thể dễ dàng tìm hiểu các quy định về thuế chỉ bằng một vài từ khóa đơn giản trên Internet, trong khi đó, ở Việt Nam người dân phải tìm hiểu nhiều nghị định, văn bản khác nhau mới có thể nắm được cách thức và các quy định về nộp thuế TNCN.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12 được Chính phủ ban hành mới đây quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế. Thời hạn cung cấp lần đầu tiên là 90 ngày kể từ khi nghị định có hiệu lực và thời gian cung cấp các kỳ tiếp theo là 10 ngày đầu mỗi tháng.
Việc cung cấp các thông tin kể trên nhằm phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Cơ quan thuế cũng có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin kể trên theo quy định của pháp luật.
(Theo Zing)