Những con người gắn bó cả thập kỷ với DOJI

Suốt 15 năm qua, DOJI trở thành cái tên quen thuộc gắn bó với anh Hoàng Minh Trọng - Trưởng phòng Thiết kế, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI.

Vào Tập đoàn với tư cách nhân viên thiết kế, phát triển mẫu mã sản phẩm, anh Trọng đã cho ra đời hàng chục nghìn mẫu thiết kế và cũng từng ấy “đứa con tinh thần” của anh Trọng đi khắp đất nước, đến tay người tiêu dùng dưới thương hiệu DOJI. Vốn được nhắc đến là thị trường “nhàm chán” bởi quan điểm vàng chỉ để tích trữ, nhưng với anh Trọng, công việc liên quan đến vàng suốt hơn một thập kỷ qua không có ngày nào “cũ kỹ”.

{keywords}
 Cán bộ nhân viên Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI.

“Ở DOJI, bên cạnh liêm chính và trách nhiệm, sáng tạo là yếu tố trước tiên mọi người cần có để có thể gia nhập đội ngũ DOJIers. Chúng tôi được yêu cầu phải làm ra những sản phẩm khách hàng cần nhưng cũng phải là thứ họ thích. Vì vậy, ở DOJI, những sản phẩm quà tặng vàng, chúng tôi phải cùng nhau tìm cách biến nó trở thành sản phẩm đặc trưng về văn hóa tặng quà của người Việt vừa truyền tải được tâm ý người gửi, vừa phù hợp hoàn cảnh người nhận nhưng giá cả vẫn phải hợp lý”, anh Trọng cho biết.

Chị Nguyễn Hồng Nhung, một cán bộ mới gia nhập Tập đoàn lại có góc nhìn thú vị về nơi mình làm việc: “Ở đây, điều chúng tôi quan tâm nhất là sự hài lòng của khách hàng, của thị trường, chứ không phải lo lấy lòng ông chủ hay cấp trên. Có lẽ với DOJI, nhân tài chính là những người giàu quyền lực nhất.”

Còn với như chị Đỗ Thu Hằng, điều gắn bó chị với DOJI trọn vẹn 10 năm chính từ những thế hệ lãnh đạo giàu cảm hứng tại DOJI: “Các lãnh đạo cho tôi cảm giác ngưỡng mộ nhưng lại gần gũi. Họ sở hữu một kho tri thức, tràn đầy năng lượng và rất quan tâm đến nhân viên”.

Sáng tạo không ngừng cùng nhiệt huyết từ những lãnh đạo tài năng đã khiến “con thuyền” DOJI tiến từng bước vững chãi ra biển lớn. Một thập kỷ, DOJI nằm trong top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam theo bảng bình chọn VNR500.

Hiện tại, quy mô nhân sự DOJI gần 2.000 người có tới 25% thâm niên trên 10 năm, thâm niên trên 20 năm cũng tới gần trăm người. Nhiều nhân viên đã gắn bó với công ty từ những ngày đầu thành lập và đang giữ các chức vụ quan trọng.

Xây dựng văn hoá công ty từ những điều giản dị

Tại DOJI, thế hệ lãnh đạo không chỉ chú trọng đến việc xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp đầy bản sắc thông qua việc truyền tải đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp mà còn đặc biệt quan tâm đến những điều thực tế và sâu sát với đời sống nhân viên hàng ngày.

Trong nhiều năm qua, mỗi cán bộ nhân viên được dùng buffet trưa miễn phí với thực đơn trung bình 10 món ăn/ngày. Theo nhiều cán bộ nhân viên DOJI, bữa ăn trưa là văn hoá đặc sắc của DOJI.

“Nhiều khi, ban lãnh đạo Tập đoàn lên ăn cơm, gần gũi trò chuyện cùng nhân viên hoặc hỏi han chúng tôi có đề xuất gì hay không khiến chúng tôi tin rằng, mình thực sự có bữa cơm bên đại gia đình thân thuộc”, anh Đinh Công Hoàng Linh, chuyên viên Khối Marketing chia sẻ.

{keywords}
Một góc tea break của DOJI là niềm mơ ước của giới văn phòng

Điểm đặc biệt ở trụ sở chính DOJI - Toà nhà DOJI Tower được đầu tư khu nhà hàng, siêu thị, góc thư giãn, khu uống trà, phòng tập gym, phòng sáng tạo… để giúp nhân viên thư thái tinh thần và khơi nguồn cảm hứng trong công việc.

Thêm nữa, DOJI luôn đề cao một môi trường làm việc chuyên nghiệp và có tính gắn kết cao. Đầu tiên là gắn kết trong công việc, sau đó là qua các hoạt động văn hóa đoàn thể để đẩy mạnh tinh thần văn hoá doanh nghiệp. Và không chỉ riêng cán bộ nhân viên, gia đình của họ cũng được tham dự nhiều sự kiện đặc biệt do Tập đoàn tổ chức vào các dịp Trung thu, Tết thiếu nhi, Tất niên….

“Đại gia đình” DOJI vươn ra biển lớn

Từ những ngày đầu đặt nền móng, DOJI đã xác định một tầm nhìn, sứ mệnh khác biệt, đó là “luôn hướng tới con người và vì con người”. Sau này, suốt hành trình 1/4 Thế kỷ hình thành và phát triển, trên nền tảng kể trên, DOJI lấy 5 giá trị cốt lõi: Liêm chính - Sáng tạo - Hợp lực - Trí thức - Nhân ái là kim chỉ nam.

DOJI áp dụng quản lý chuyên nghiệp dựa trên nền tảng quy định quy trình, được xây dựng sao cho phù hợp với văn hoá công ty và tất cả mọi người phải tuân thủ nghiêm ngặt, kể cả là người đứng đầu.

{keywords}
 Ông Đỗ Minh Phú - “thuyền trưởng” của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI

“Những người lãnh đạo luôn phải là những người mẫn cán nhất, làm việc trách nhiệm nhất. Nhưng khi có lợi nhuận, thành công, điều mà chúng tôi nghĩ đến đầu tiên, đó là khen thưởng, vinh danh cho những cộng sự mẫn cán, cho những cán bộ nhân viên có đóng góp tích cực”, theo chia sẻ của ông Đỗ Minh Phú. “Và việc khen thưởng này phải đảm bảo yếu tố công bằng và minh bạch thì mới tạo ra động lực thực sự”, ông Phú nhấn mạnh.

Được biết, ngoài mức thu nhập thỏa đáng qua lương và thưởng kinh doanh, thưởng hiệu quả công việc, những nhân viên ở đây được hưởng nhiều chế độ phúc lợi hấp dẫn, được quan tâm toàn diện về đời sống tinh thần, sức khỏe.

Bằng cách nào, DOJI “nhân bản” khối nhân lực, khối tài sản, giá trị thương hiệu... một cách đầy kinh ngạc chỉ sau vỏn vẹn 25 năm? Câu trả lời của ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn khiến nhiều người bất ngờ: “Để chọn 3 yếu tố để thành công như hôm nay thì theo tôi vẫn là “con người, con người và con người”. Sáng tạo, thay đổi, tiến bộ hay tụt hậu, thành công hay thất bại tất cả đều do con người. Và ở DOJI tài sản quý giá nhất của chúng tôi hiện nay là 2.000 nhân viên, đa phần gắn bó trên 10 năm”.

Doãn Phong