Tây Giang là huyện miền núi cao nằm phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam, có 10 đơn vị hành chính cấp xã, 8 xã biên giới giáp với nước bạn Lào. Toàn huyện có 5.647 hộ gia đình, với 16 thành phần dân tộc thiểu số. Năm 2023, tổng số hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều trên địa bàn huyện là 2.858 hộ, chiếm tỷ lệ 50,61%.
Địa phương này đang là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, huyện đang tập trung quyết liệt đẩy mạnh cho công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. Năm 2024, Tây Giang được tỉnh giao chỉ tiêu giảm 324 hộ nghèo. Cùng với đó, huyện cũng đặt mục tiêu đến năm 2029, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 25% (mỗi năm giảm từ 5% trở lên).
Thực tế, nhờ các chương trình đầu tư, can thiệp của Nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng, đời sống người dân Tây Giang ngày một khởi sắc, xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương nhờ sự tiếp sức của Nhà nước.
Có thể nói, với người dân nơi đây, các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), đặc biệt là chương trình giảm nghèo bền vững, là đòn bẩy giúp nhiều hộ đồng bào đẩy lùi nghèo đói, vươn lên phát triển kinh tế. Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền huyện Tây Giang tranh thủ tối đa các nguồn lực để quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư 126 điểm dân cư; hỗ trợ đất ở cho 64 hộ, nhà ở cho 115 hộ nghèo.
Hiện, 100% xã ở Tây Giang có đường ô tô đến trung tâm, có 62/63 thôn có đường ô tô đi được vào mùa nắng. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia đạt 96,27% và nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%.
Một trong những giải pháp hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững của Tây Giang, vừa giải quyết sinh kế, việc làm, vừa gắn với giữ rừng đó là triển khai các dự án trồng dược liệu như ba kích, đản sâm trồng xen kẽ dưới tán rừng và đất nương rẫy của bà con.
Huyện cũng di thực một số loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, ngũ vị tử, thảo quả và sâm 7 lá 1 hoa tại một số vùng có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp. Không ít người dân không còn tâm lý trông chờ ỷ lại thiếu ý chí mà tập trung tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước để triển khai các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, vươn lên thoát hẳn nghèo đói.
Một trong những nguồn "năng lượng" lớn để tiếp sức cho người dân nghèo ở huyện Tây Giang là vốn vay chính sách ưu đãi. Tháng 5 vừa qua, hộ anh Alăng Thiếu, ở thôn Ra’Bhượp (xã A Tiêng), được tiếp cận vốn vay chính sách xã hội 100 triệu đồng để phát triển sản xuất.
Lãi suất thấp, gia đình anh quyết tâm đầu tư mô hình nuôi bò sinh sản, chuẩn bị chuồng trại, mua giống, nhân đàn. Anh cũng hi vọng khi đàn bò phát triển ổn định, anh tiếp tục mở rộng phát triển thêm các mô hình kinh tế trồng trọt khác. Qua đó từng bước phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập và có thể trả dần các khoản vay.
Tương tự với anh Thiếu, được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đồng bào huyện Tây Giang đã đầu tư phát triển kinh tế hộ như mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Đầu năm 2024 đến nay, phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tây Giang đã hướng dẫn hồ sơ cho 865 hộ vay vốn, trong đó 479 hộ nghèo vay vốn ưu đãi, 183 hộ vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, 182 hộ vay vốn giải quyết việc làm...
Ngân hàng cũng giao chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các xã với số tiền là 23,5 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cho vay hộ sản xuất kinh doanh, cho vay giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững.
Là huyện còn nhiều nghèo khó với địa hình cách trở, đồi núi dốc đứng hay khí hậu khắc nghiệt, nhưng đồng bào Tây Giang rất khát khao thoát nghèo bền vững, không cam chịu những khó khăn của địa bàn vùng núi cao. Quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền, cùng với ý chí vươn lên của người dân là hành trang lớn để Tây Giang vững bước trên hành trình giảm nghèo bền vững, đa chiều.