Thực hiện nhiệm vụ UBND thành phố Hà Nội giao, sáng 5/9, Công an TP có thông báo về đối tượng, trình tự, thủ tục duyệt, cấp giấy đi đường có mã nhận diện, thẻ đi mua hàng thiết yếu theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid - 19 trong Vùng 1 của thành phố.
Thiếu ứng dụng công nghệ
Với nhóm 5 là các trường hợp cá nhân có nhu cầu lưu thông trên đường, nhóm này có quy định trường hợp cá nhân đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu sẽ do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn duyệt, cấp thẻ mua hàng thiết yếu theo đúng đối tượng quy định.
Tuy nhiên, dù đều là nhu cầu thiết yếu với mọi gia đình, nhưng sau thông báo của Công an Hà Nội, các quận huyện, phường xã cũng không có hướng dẫn tiếp theo được công bố rộng rãi tới người dân, không rõ thủ tục, đầu mối liên hệ.
Nhiều người phải chờ đợi chờ cấp giấy đi đường lúc tối muộn. Ảnh: Đình Hiếu |
Chị Thùy Trang (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho rằng, thực phẩm và thuốc men cũng như đồ dùng thiết yếu, gia đình nào cũng cần, sao không phát phiếu hoặc phát thẻ mua hàng thiết yếu có hạn định, có số lượng cụ thể luôn.
Theo chị, việc quy định xin, duyệt thẻ với trường hợp đi mua lương thực, thuốc men mà không có hướng dẫn cụ thể, không có đầu mối khiến nhiều gia đình đến cuối ngày 7/9 vẫn không có thẻ này. Cuối cùng, đến tối 7/9, thành phố mới thông báo được dùng cả giấy đi đường cũ và mới, còn thẻ mua hàng thiết yếu thì vẫn chưa rõ sẽ cấp thế nào.
Tìm hiểu việc cấp giấy đi đường cho cá nhân, tổ chức, đơn vị ở Hà Nội cũng cho thấy vẫn theo quy trình thủ công, thiếu ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp giấy.
Tại phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), từ sáng ngày 6/9, công an đã cấp giấy đi đường cho các cá nhân, người lao động thuộc cơ quan trên địa bàn và các trường hợp cấp thiết khác.
Tuy nhiên, với quy mô phường hàng vạn dân, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, phường này cũng chỉ có 2 máy tính bàn và 1 máy xách tay để nhập liệu, và thực hiện các bước cấp giấy đi đường và thẻ mua hàng thiết yếu.
Phường Đông Ngạc phải tăng cường đến 10 người cho nhiệm vụ này gồm: 8 cán bộ, chiến sĩ công an phường và 2 cán bộ UBND phường (Tư pháp và Văn phòng), làm việc 24/24h để giải quyết các thủ tục.
Về quy trình thực hiện, người dân có thể đến trực tiếp hoặc gửi qua email để được cấp thẻ mua hàng thiết yếu.
Còn đối với các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, phải cử người đến phường và gặp trực tiếp cảnh sát khu vực, cung cấp thông tin.
Với quy trình chưa ứng dụng công nghệ thông tin, số người phải rời nhà đến phường sẽ nhiều lên, tiếp xúc trực tiếp cũng nhiều hơn, điều này đi ngược lại mục tiêu giãn cách xã hội theo nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”.
Chưa hết, việc cấp được giấy đi đường cũng rất nhiều bước, trong đó có bước phải gặp trực tiếp cung cấp thông tin. Đó là sau khi các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cử người đại diện đến gặp cảnh sát khu vực cung cấp thông tin, cán bộ khu vực sau tiếp nhận thông tin, chuyển sang bộ phận nhập dữ liệu vào máy tính, cán bộ UBND phường chuyển dữ liệu đó đến chủ tịch UBND phường xem xét. Quá trình xem xét này có 2 tình huống: được cấp và không được cấp.
Tiếp đến, sau khi chủ tịch UBND phường xem xét, nếu được cấp, lúc này lại chuyển cho Trưởng công an phường ký xác nhận và cấp giấy đường cho cá nhân của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.
Quá trình này người đi làm thủ tục sẽ phải chờ đợi, thậm chí nhiều người cùng phải chờ đợi nhưng cũng có công bố rõ thời hạn giải quyết bao lâu thì trả kết quả này.
Ngược lại, cũng cấp giấy đi đường cho cá nhân, tại Đà Nẵng, với quy trình cấp giấy trực tuyến, cá nhân, tổ chức có nhu cầu cấp giấy chỉ thao tác trên điện thoại, hoặc khai trên máy tính đủ, đúng thông tin là được cấp giấy đi đường qua email. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền được phân công phê duyệt, cấp giấy đi đường có mã QR code trên hệ thống.
Quá trình này tính bằng giây, bằng phút, và kết quả là chụp màn hình điện thoại hoặc tự in giấy đi đường có mã QR code để mang theo khi ra đường.
Không hướng dẫn chung, chủ yếu liên hệ với công an khu vực
Trong 6 nhóm được ra đường theo quy định mới, rất nhiều trường hợp ở khối đơn vị, doanh nghiệp không rõ mình thuộc nhóm đối tượng nào để liên hệ xin cấp giấy. Theo hướng dẫn, mọi thắc mắc liên quan đề nghị liên hệ đường dây nóng của Công an TP Hà Nội: 069.2194.299, nhưng thực tế số điện thoại trên luôn trong tình trạng “bận”.
Người dân xin cấp giấy đi đường lúc gần 20h |
Ngay thông báo của Công an TP ngày 7/9 cũng thể hiện, đó là qua theo dõi tổng đài hotline nêu trên về giải đáp thắc mắc liên quan việc cấp giấy đi đường, Công an TP nhận thấy nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức còn lúng túng trong việc xác định nhóm đối tượng được cấp giấy, nhất là diện đối tượng của nhóm 2 và nhóm 6.
Tuy nhiên, ở thông báo này, Công an TP cũng không có thêm hướng dẫn chung mà đề nghị các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nếu chưa xác định được diện đối tượng như trên, liên hệ với công an phường, xã, thị trấn sở tại để được hướng dẫn.
Ngày 7/9, trao đổi về tình hình những ngày đầu tổ chức phân vùng phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để kịp thời điều chỉnh việc cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn. Tất cả phải nhằm bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân. Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một; chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.
|
Tại công an phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội), rất nhiều người phải đến làm thủ tục xin cấp giấy đi đường cho cơ quan, đơn vị lúc tối muộn ngày 6/9.
Chị Phạm Thị Huyền, nhân viên một phòng khám, có trụ sở tại phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) cho biết, cũng bị tình trạng chưa rõ ở nhóm nào để xin cấp giấy. Chị cho biết phải tới công an phường lúc tối muộn vì hơn 17h mới nhận được thông báo mời đến nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, nơi chị làm việc là phòng khám, chữa bệnh, sau khi trao đổi với cán bộ công an phường vào buổi sáng thì phòng khám của chị thuộc nhóm số 3 (các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện, tham gia công tác phòng chống dịch).
Nhưng ngay khi về đến phòng khám thì cán bộ gọi điện lại nói phòng khám thuộc nhóm 6 (các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu).
Chị cũng cho rằng cách làm còn thủ công, đơn vị phải tự tìm hiểu rất kỹ quy định để gửi thư điện tử cho công an phường, nhưng sau một thời gian không nhận được hồi âm nào, còn gọi điện trực tiếp đến phường thì nhiều lần máy bận.
Theo chị, đến khi khi có người nghe, việc chuẩn bị hồ sơ rất gấp và phải đi làm lúc chập tối. Tuy nhiên, điều chị e ngại chính là phải tới trụ sở trong tình trạng nhiều người khác cũng đến, thành ra vô tình tập trung đông người.
"Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp mà phải tiếp xúc đông người thì rất ái ngại", chị Huyền bộc bạch.
Tại một số phường khác ở Hà Nội, quy trình cấp giấy đi đường cho cá nhân cũng không rõ ràng, có nơi công an phường dán thông báo ở cổng nhắc người dân không đến trụ sở mà liên hệ với công an khu vực qua zalo.
“Gọi điện thoại cho công an khu vực để được hướng dẫn không phải là quy trình, một cảnh sát khu vực cũng không thể nghe điện thoại của nhiều người. Quy trình là phải rõ thủ tục, rõ đầu mối tiếp nhận, rõ thời hạn trả kết quả. Còn trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, cần ứng dụng công nghệ để giải quyết 100% qua trực tuyến, tránh để nhiều người đổ xô đến một điểm”, anh Nguyễn Văn Thư, phường Dịch Vọng Hậu nói.
Nhóm 6: Các cá nhân, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu do công an xã, phường, thị trấn xem xét và cấp giấy đi đường. Quy trình xét cấp giấy đi đường như sau: |
Bảo Vân
Xin cấp giấy đi đường lúc tối muộn ở Hà Nội
Để kịp đến hạn 8/9 ra đường phải có giấy theo mẫu mới, nhiều người dân ở Hà Nội, dù tối muộn vẫn nán chờ tại trụ sở công an phường để nộp hồ sơ xin cấp giấy cho cá nhân và doanh nghiệp.