1. Nguyên liệu làm trân châu

Để làm được món trân châu thơm ngon đơn giản tại nhà, bạn chỉ cần chuẩn bị những loại nguyên liệu sau đây:

Bột năng: 150g
Bột cacao: 5g
Bột gạo: 20g
Đường cát trắng: 20g

Nguyên liệu làm trân châu (Ảnh: Sức khỏe Đời sống).

2. Cách làm trân châu đơn giản

Bước 1: Trộn bột

Cho phần bột năng và bột gạo vào một chiếc tô to rồi trộn đều hỗn hợp. Sau đó, để riêng khoảng 2 thìa bột ra để làm bột áo cho trân châu.

Tiếp đó, cho thêm vào tô bột cacao và đường cát trắng rồi trộn hỗn hợp cho đều.

Cho từ từ nước sôi vào tô bột đã trộn sẵn và dùng một chiếc vá để khuấy đều lên. Đến khi cảm thấy hỗn hợp bột đủ ướt để trộn đều thì dùng tay nhào thật kỹ sao cho cho khối bột được dẻo và mịn. Nếu bột bị khô thì hãy cho thêm nước, bột ướt thì cho thêm bột năng hoặc bột gạo. Bạn nhồi đến khi bột thành hỗn hợp khối dẻo mịn có vẻ tạo hình mà không bị dính tay là được.

Bước 2: Nặn hạt trân châu

Sau khi đã trộn đều khối bột, bạn chia bột thành những phần nhỏ và bắt đầu nặn thành những viên tròn kích thước tùy chỉnh to nhỏ theo ý muốn, hạt trân châu cỡ hạt lạc là phù hợp.

Sau khi nặn xong, bạn nhớ rắc lên một ít bột khô để những hạt trân châu không bị dính vào nhau nhé.

Tiếp đó, bạn để những hạt trân châu ra đĩa hoặc cất vào hộp để khi cần có thể lấy ra chế biến.

Bước 3: Luộc trân châu

Sau quá trình vo viên, chúng ta tiến hành luộc trân châu. Bạn đun nước đến khi sôi, sau đó thả các viên trân châu đã vo viên vào. Đến khi viên trân châu nổi hoàn toàn trên mặt nước thì vớt ra và thả vào nồi nước lạnh. Việc thả trân châu vào nước lạnh giúp trân châu dai ngon hơn, làm nguội nhanh và giúp các viên trân châu không bị dính vào nhau.

Trân châu sau khi luộc có thể dùng cho topping của trà sữa. Ngoài ra, cũng có thể dùng trân châu làm bánh hoặc thậm chí có thể làm kem trân châu.

 Trân châu thơm ngon, bổ dưỡng (Ảnh: Gia đình và Xã hội).

3. Những lưu ý quan trọng khi làm trân châu tại nhà

Để làm được món trân châu dai ngon không dễ. Vì vậy, khi thực hiện, chúng ta phải nhớ một số lưu ý sau:

Không nhồi bột quá ướt hoặc quá khô. Vì nếu nhồi bột quá ướt, khi vo viên sẽ bị chảy, đặc biệt là thành phẩm trân châu không dai mà sẽ bị mềm; khi nhồi bột quá khô, viên trân châu có thể bị bể trong quá trình vo viên, khi nấu xong có thể sẽ cứng, chai.

Không luộc trân châu quá lâu. Vì trân châu khi luộc quá lâu sẽ bị mềm nhũn, không còn giữ được độ dai ngon.

Nước trộn bột trân châu phải là nước sôi già, vì khi dùng nước ấm hay nước lạnh, bột năng sẽ bị chảy ra và không thực hiện món ăn được.

Nên hạn chế hoặc cho ít đường khi trộn bột, vì đường sẽ khiến bột bị nhão và nước đường chảy ra ảnh hưởng đến chất lượng trân châu.

Nếu không ăn hết ngay thì nên cho trân châu vào hũ đựng thực phẩm, hộp đựng thực phẩm hay các vật đựng bằng inox rồi để ở nơi thoáng mát. Cách làm này sẽ bảo quản trân châu đã luộc trong vòng 1 ngày.

Bạn cũng có thể làm nhiều trân châu (chưa luộc) rồi cho vào ngăn đá, khi dùng thì lấy ra một ít và luộc lại với nước sôi là có thể sử dụng ngay. Cách làm này có thể bảo quản trân châu trong khoảng 1 tháng.

Cách làm trân châu trên đây ngon mà đơn giản. Chúc bạn thành công!
 >>> Xem thêm các công thức món ngon mỗi ngày mới nhất.

Phương Anh (Tổng hợp)