Đối với tất cả các loại măng, người tiêu dùng nên sử dụng với liều lượng nhất định, nếu sử dụng nhiều sẽ gây ngộ độc và suy nhược cơ thể.

Trong những ngày Tết, món canh măng hầm dường như không thể thiếu đối với mỗi gia đình. Hơn nữa đây cũng là thời điểm đầu mùa măng tươi nên việc người tiêu dùng chọn măng là thực phẩm trong ngày tết sẽ tăng lên rất nhiều. Lợi dụng tâm lý đó, không ít cơ sở kinh doanh, buôn bán mặt hàng này sử dụng chất bảo quản để ngâm măng tươi hoặc bảo quản măng khô tránh mốc.

Thực tế cho thấy, không ít vụ việc đã bị cơ quan chức năng phanh phui khi đang dùng hóa chất để ướp măng tươi, gần đây nhất là vụ việc được phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh khi chủ cơ sở chỉ cần dùng một muỗm nhỏ hóa chất đã có thể tẩy trắng 1 tấn măng.

Trước những thông tin trên, người tiêu dùng hết sức hoang mang và lo lắng, không biết được việc lựa chọn và sử dụng măng trong những ngày Tết làm sao cho an toàn và đảm bảo.

Để giúp người dân có thể lựa chọn và sử dụng măng an toàn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh hoạc và Thực phẩm – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, trong các loại măng thì măng tươi là loại chứa nhiều độc tố nguy hiểm nhất, kể cả là loại măng ngọt được cho là lành tính. Độc tố trong măng rất nguy hiểm, có thể gây ngộ độc ở mức độ cao đối với người sử dụng.

Theo đó, nguyên nhân gây ngộ độc chính là chất HCN có nhiều trong măng, chất này khi vào cơ thể sẽ biến thành chất độc. Chất HCN đặc biệt nguy hiểm với trẻ em, người già yếu dễ nhạy cảm với độc tính của nó.

Đặc biệt chất HCN có thể gây chết người với liều lượng 50 đến 60mg, khi bị ngộ độc sẽ xuất hiện các triệu chứng như khó thở, mỏi, liệt cơ, ngừng thở… Khi sử dụng măng thấy xuất hiện các triệu chứng trên thì cần phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

{keywords}

Đối với măng khô, để nhận biết và lựa chọn măng an toàn cho ngày Tết, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo nhằm giúp người dân không dùng phải măng chứa lưu huỳnh hoặc hóa chất độc hại.

Theo đó, măng khô thường có 4 loại: Măng trúc, măng nứa, măng vầu, măng lưỡi lợn. Măng trúc nhỏ và nhọn đầu, ăn giòn ngọt. Măng nứa và măng vầu mềm thơm. Ba loại này thường được xào và nấu canh. Măng lưỡi lợn là loại măng củ, bổ miếng được sấy khô, khi nấu xắt miếng hình lưỡi lợn và thường được hầm với chân giò hoặc thịt heo.

Để chọn măng khô ngon, người ta dựa vào nhiều yếu tố như màu sắc, mùi vị và đôi khi là cả thương hiệu. Chọn những miếng măng có nhiều ngọn khi nấu sẽ mềm và ngon hơn phần gốc.

Măng khô ngon là măng có màu vàng đất nhạt, còn lưu giữ mùi hương đặc trưng, có đường vân tỉ mỉ, bề thịt rộng dày, sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được. Nên chọn măng búp có màu đều nhau, đốt ngắn, không có xơ.

Nếu măng có mùi nồng nặc và khét là măng sấy lưu huỳnh, bạn tuyệt đối không nên ngậm hoặc nếm. Chỉ nên mua măng khô được bảo quản trong túi nilon có nhãn mác, có địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Cuối cùng, để chế biến và sử dụng măng an toàn, PGS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, đối với tất cả các loại măng khi mua về người tiêu dùng trước tiên nên ngâm qua nước một thời gian, sau đó luộc kỹ bỏ nước rồi mới sơ chế.

“Việc làm này sẽ làm bay hơi độc tố có sẵn trong măng, đặc biệt là các loại măng tươi. Đồng thời, nó sẽ làm sạch phụ gia bảo quản bên ngoài măng khô và làm cho măng mềm hơn”, PGS Thịnh nói.

Đặc biệt, không nên sử dụng măng quá nhiều nhất là măng luộc, bởi kể cả luộc kỹ, nếu sử dụng thường xuyên vẫn gây ngộ độc và suy nhược cơ thể.

Theo Eva