Bài học về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân

Thành quả của cuộc cách mạng này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc.

Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử nước ta. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm cho chúng ta trở nên một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H., 2002, tập 6, trang 160). Nói cách khác, giá trị to lớn nhất của thắng lợi này là đã đặt nước Việt Nam vào quỹ đạo của thời đại: Hội nhập vào nền dân chủ của nhân loại với tư cách của một quốc gia tự chủ.

{keywords}
Cách mạng Tháng Tám đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật khởi nghĩa, nghệ thuật tạo thời cơ và nắm thời cơ; về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội....

Cách mạng Tháng Tám đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật khởi nghĩa, nghệ thuật tạo thời cơ và nắm thời cơ; về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; về xác định và kết hợp đúng đắn nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc trong từng thời kỳ cách mạng... Đặc biệt là bài học về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân bởi một tổ chức cách mạng tập hợp được những người ưu tú trong mọi tầng lớp nhân dân. Sức mạnh ấy được nhân lên nhờ người lãnh đạo cao nhất sáng suốt, đã chọn đúng thời cơ và “chớp” được thời cơ thành công.

Nghệ thuật lãnh đạo của Đảng

Khi tổng kết lịch sử, sự kiện Cách mạng Tháng Tám thường được nhận định là cuộc cách mạng dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo.

Nhưng có thể thấy, bên cạnh yếu tố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thì điều đặc sắc trong thực tiễn cách mạng diễn ra 7 thập kỷ trước chính là từ nghệ thuật lãnh đạo của Đảng.

Vào thời điểm đó ít ai nhắc đến vai trò của Đảng mà nổi lên là vai trò của Mặt trận, khi đó là Mặt trận Việt Minh. Cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh và những con người tiêu biểu của tổ chức này (Hồ Chí Minh, Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Đức Thắng...) đã tạo sức hút to lớn, góp phần huy động quần chúng đoàn kết lại. Cương lĩnh của Việt Minh đặt vấn đề độc lập dân tộc, đoàn kết dân tộc, thống nhất quốc gia lên hàng đầu. Cương lĩnh này cũng xác định rõ thể chế đất nước khi giành chính quyền về tay nhân dân là thể chế dân chủ - cộng hòa, và mục tiêu độc lập - tự do - hạnh phúc.

Thậm chí, khi cần thiết Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán (tháng 11.1945). Nhiều bộ trưởng cộng sản, thậm chí Việt Minh rút lui nhường ghế cho những thành phần khác để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nhưng vẫn bảo đảm được sự lãnh đạo của hạt nhân tổ chức là Đảng cộng sản.

Đường lối cách mạng đúng đắn

Đường lối cách mạng đúng đắn từ Cách mạng Tháng Tám đã trở thành sợi chỉ đỏ, dẫn dắt việc ban hành những chính sách nội trị và ngoại giao của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đường lối này cũng được phát huy một cách thăng hoa trong thời kỳ trước khi bị chiến tranh (từ tháng 12.1946) làm đảo lộn. Đặc biệt, nhờ đường lối này, kể từ sau Chiến thắng Biên giới mở được cửa ngõ biên giới phía Bắc (năm 1950), nguồn lực vật chất cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nước ta được tăng cường mạnh mẽ.

Song kết quả quan trọng nhất và có ảnh hưởng lâu dài nhất của Cách mạng Tháng Tám chính là thiết lập thể chế dân chủ. Kết quả này được hình thành từ việc tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân, xác lập mục tiêu dân chủ cộng hòa, sớm bầu ra QH và thông qua Hiến pháp, cũng như bước đầu xây dựng hệ thống chính quyền (UBND), cơ quan dân cử (HĐND) ở địa phương.

Sự vận hành các thiết chế này trong hơn 7 thập kỷ qua là thước đo của sự phát triển, hay nói cách khác là phát huy những thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Thực tiễn cho thấy, không ít lĩnh vực ở nước ta, đặc biệt về thể chế dân chủ đang trở lại những giá trị đã được xác lập từ 70 năm trước. Những bài học của cuộc cách mạng ấy vẫn còn mang tính thời sự.

Phương Liên