Sáng 24/1, phát biểu tại hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 9 khóa 9, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận đóng góp rất to lớn, quan trọng của MTTQ các cấp đã tạo đồng thuận trong nhân dân.

Để lại những tình cảm, những ấn tượng tốt đẹp

“MTTQ đã ngày càng chú trọng làm tốt vai trò là liên minh chính trị, hiệp thương dân chủ, thống nhất hành động trong các tổ chức thành viên, trong các thành viên cá nhân, tạo được sức ảnh hưởng lan tỏa tích cực trong các tầng lớp nhân dân; vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, quyền làm chủ của nhân dân”, Thường trực Ban Bí thư ghi nhận.

Bà Trương Thị Mai đánh giá, chất lượng giám sát, phản biện xã hội đã được tăng cường, góp phần vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cầu nối thực chất giữa Đảng với các tầng lớp nhân dân.

truong thi mai.jpg
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai. Ảnh: Phạm Quang Vinh 

“Hoạt động năm 2023 của MTTQ đã để lại những tình cảm, ấn tượng tốt đẹp. Đó là sự quyết tâm cộng đồng trách nhiệm, sự lắng nghe, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đó là động viên, giúp đỡ người gặp khó khăn trong cuộc sống, phát huy vai trò người có uy tín, người tiêu biểu trong các tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Nhắc đến chương trình “Triệu tấm lòng yêu thương, Nghìn mái nhà hạnh phúc” đến nay cơ bản đảm bảo được 5.000 nhà cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Điện Biên, Thường trực Ban Bí thư ghi nhận đây là sự nỗ lực rất lớn và có sự cộng đồng, chia sẻ chung của cả xã hội dưới sự phát động của MTTQ Việt Nam.

Các hoạt động an sinh xã hội, phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động lớn, hoạt động giám sát, phản biện ngày càng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm hơn. Các đạo luật vừa được Quốc hội thông qua cũng như những đạo luật chuẩn bị để thông qua như: Luật đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật bảo hiểm xã hội và một số đạo luật khác đều có sự đóng góp của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Đặc biệt, bà Trương Thị Mai nhắc đến cuốn sách “Tiếp tục phát huy truyền thống sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư đã được phát hành là sự nỗ lực rất lớn của cơ quan thường trực MTTQ Việt Nam.

Đến nay, cuốn sách này đã được phát hành rộng rãi, góp phần khẳng định nâng cao trách nhiệm về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò lịch sử chính trị của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Nhấn mạnh năm 2023 Đảng tiếp tục chú trọng ban hành khá nhiều văn bản quan trọng về đại đoàn kết dân tộc, về MTTQ Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư mong MTTQ Việt Nam tiếp tục tích cực, có chỉ đạo cụ thể để các văn bản của Đảng, đi vào cuộc sống, nâng cao được hiệu quả hoạt động của mặt trận. 

“Điều quan trọng là mỗi một hoạt động của MTTQ phải thực chất, gắn với cuộc sống của nhân dân, gắn với tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và trên cơ sở đó để tạo được sự đồng thuận. Và đây phải là sự đồng thuận thực chất, với sự tham gia tích cực của nhân dân để tăng cường niềm tin của dân đối với MTTQ, với Đảng”, bà Mai nhắn nhủ.

Làm sao cho người dân thấy được hình ảnh của MTTQ trong cuộc sống 

Cho biết năm 2024 MTTQ sẽ tổ chức thí điểm khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao sáng kiến này nếu lan tỏa cũng chính là một công việc dành cho nhân dân. Bên cạnh đó, bà Mai lưu ý, làm sao để kết quả thí điểm phải thực chất và khu dân cư được công nhận phải thực sự là khu dân cư đoàn kết ấm no, hạnh phúc. 

“MTTQ làm được điều này cũng là đóng góp to lớn cho cuộc sống của nhân dân”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

hội nghị.jpg
Ảnh: Phạm Quang Vinh

Nhắc đến các nhiệm vụ trong năm, Thường trực Ban Bí thư lưu ý, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất sao cho người dân thấy được hình ảnh của MTTQ trong cuộc sống của mình. 

“Làm sao cho người dân phải thấy được khi MTTQ đã tham gia vào trong cuộc sống thì người dân cũng tìm được cái thực tâm, thực chất, tấm lòng, trái tim, tình cảm của MTTQ dành thực sự cho người dân. Từ đó tạo được sức mạnh đại đoàn kết, sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân”, bà Mai nói.

Làm được như vậy, MTTQ sẽ góp phần to lớn cho sự hòa quyện của ý Đảng, lòng dân, góp phần để quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền lực, quyền hạn đều do dân” tiếp tục đi vào cuộc sống trong giai đoạn mới.

Bà Trương Thị Mai cho biết, từ 1/7/2024, cả nước triển khai cải cách tiền lương đồng thời cải cách luôn trợ cấp BHXH, chính sách người có công và một số chính sách an sinh gắn liền với lương cơ sở. 

Như vậy, không chỉ lo cho bộ máy của hệ thống chính trị mà còn là người hưởng lương hưu, người có công và an sinh xã hội khác để có thể tiếp tục cải thiện, nâng cao cuộc sống. 

“Đặc biệt, nếu không có chính sách này thì một người đã khó khăn rồi, gặp bệnh mãn tính, bệnh nguy hiểm có thể rơi vào cảnh nghèo, gặp một cú sốc kinh tế có thể trở thành người nghèo”, Thường trực Ban Bí thư phân tích.

Theo bà Mai, đây là những chính sách quan trọng khi cải cách tiền lương để tạo nên một mạng lưới an sinh tốt hơn cho đời sống nhân dân. Bởi nếu chỉ có hơn 30% người cao tuổi tham gia bảo hiểm xã hội thì đồng nghĩa hơn 60% người lao động khi bước vào tuổi già không có một nguồn nào cả.

“Chính sách bảo hiểm, chính sách an sinh phải trở thành những trụ cột và phải được quan tâm để hàng chục triệu người bước vào tuổi cao không rơi vào tình trạng không có một đồng nào cả. Đây là việc chúng ta phải tiếp tục lo”, bà Mai lưu ý.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng hỗ trợ cho người dân để giải quyết những vấn đề này.