Giá xăng Việt Nam có phải cao hơn thế giới? Có nên trợ giá xăng? Bộ Tài chính có phải là tác nhân của các loại thuế “đánh” vào xăng? Cách giải thích của chuyên gia kinh tế Bùi Văn hình như không chiều theo cảm xúc của dư luận.

Nhân vụ tăng giá xăng tuần qua, dư luận tỏ ra rất bức xúc. Dư luận ở hầu hết các nước cũng vậy mỗi khi giá tăng. Tuy nhiên, điều đáng nói là để chiều theo dư luận, có nhiều bài báo đã hăng hái chạy theo những thông tin sai hoặc lập luận sai.

Giá xăng Việt Nam cao hơn thế giới?

Đây là điều được nhắc đi nhắc lại dù không ai đưa ra số liệu cụ thể, thậm chí còn có ví von “Việt Nam là nước đầu tiên phóng thành công giá xăng lên trời”. Tất cả để người đọc lầm tưởng giá xăng Việt Nam cao nhất thế giới.

Dầu thô được buôn bán rộng rãi toàn cầu, nên có giá dầu thô thế giới. Tuy nhiên mỗi nước lại có chính sách thuế khác nhau, nên giá xăng đến tay người tiêu dùng rất đa dạng theo nước, nên không có khái niệm giá bán lẻ xăng của thế giới.

Còn đây là so sánh với vài nước láng giềng: giá xăng A92 ở Việt Nam ngày 7/7 là 25.640 đồng/lít. Cùng thời điểm, giá ở Phnom Pênh là 26.712 đồng/lít (5.118 riel). Giá xăng không pha ethanol ở Bangkok là 31.823 đồng/lít (48,74 baht). Giá ở Singapore là 39.207 đồng/lít (2,28 đô la Singapore).

Thu nhập thấp, giá xăng cao?

Đến đây có nhiều ý kiến phản biện: đồng ý là giá của ta không cao hơn các nước, nhưng phải xét thu nhập các nước cao hơn ta bao nhiêu?

Công nhận là chúng ta nghèo, thu nhập bình quân đầu người đứng hạng 168 trên thế giới. Chúng ta lại mới tự túc được 1/3 lượng xăng, phần còn lại phải nhập khẩu. Liệu chúng ta có thể chìa cái chứng chỉ nghèo để đòi các hãng xăng dầu thế giới phải giảm giá bán cho Việt Nam?

Nhân đây cũng thử so sánh, thu nhập đầu người chúng ta bằng 1/5 Singapore, nếu mặt bằng giá của chúng ta cũng bằng 1/15 Singapore, thì có lẽ chúng ta chẳng phải phấn đấu gì cho mệt. Dân ta hoàn toàn giàu ngang dân Singapore rồi!

Chúng ta có dầu thô cơ mà!

Loạt ý kiến tiếp theo cũng khá phổ biến: chúng ta có dầu thô xuất khẩu, tại sao dân ta phải chịu giá xăng cao? Tại sao không dùng tiền bán dầu thô trợ giá xăng?

Hãy so sánh một vị đại gia cưỡi xe khủng hàng ngày đi chơi golf, mỗi tháng đổ 200 lít xăng. Một sinh viên đi học, mỗi tháng đổ 10 lít, một cụ già ngồi bán rau, mỗi tháng 0 lít. Chúng ta muốn dùng tài nguyên quốc gia (dầu thô) để trợ giá cho công dân nào?

{keywords}

Xăng bất ngờ tăng giá, lập kỷ lục mới

Hơn nữa, trợ giá như một thứ nghiện, đã mắc rồi rất khó bỏ. Malaysia trợ giá xăng, rồi 10 năm nay vật vã không bỏ được. Khi Chính phủ đề xuất thì Quốc hội bác, khi đảng này thuận thì đảng kia chống. Đến mức dân Singapore cứ chạy xe sang Malaysia đổ xăng (tương tự như buôn lậu xăng sang Campuchia ở biên giới Tây Nam). Mấy năm gần đây Malaysia phải có một quy định ngộ nghĩnh: mỗi chiếc xe từ Singapore vào Malaysia sẽ bị kiểm tra bình xăng, dưới 2/3 bình thì không được vào!

Bộ Tài chính có bị oan không?

Dư luận cũng chỉ đích danh Bộ Tài chính, hoặc ám chỉ “người ta” áp mức thuế cao quá, tổng thuế và phí đến hơn 8 ngàn đồng/lít.

Mỗi nước có chính sách thuế khác nhau. Như ở Thái Lan, mỗi lít xăng gánh 21,14 baht thuế và phí, tương đương 13.800 đồng/lít.

Điều đáng nói ở đây là hình như Bộ Tài chính bị oan. Dư luận trách Bộ Tài chính sao lại áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên xăng. Nhưng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt do Quốc hội ban hành năm 2008, ghi rõ mức 10% cho xăng các loại. Đâu phải Bộ Tài chính?

Luật thuế bảo vệ môi trường do Quốc hội ban hành năm 2008 ghi rõ: xăng các loại chịu thuế từ 1.000 đến 4.000 đồng/lít. Từ đó đến nay, Bộ Tài chính luôn luôn áp mức tối thiểu là 1.000 đồng/lít. Bộ đâu có thể phá luận để thu thấp hơn? Tương tự với các loại thuế khác.

Tuy nhiên, nếu có trách thì trách việc không minh bạch thông tin. Hàng chục năm qua, Cơ quan Chính sách Năng lượng của Thái Lan (EPPO) công khai hàng ngày rất chi tiết mọi thành phần cầu thành giá xăng: giá xuất xưởng, thuế trung ương, thuế địa phương, thuế môi trường, quỹ xăng dầu, thuế VAT, định mức chi phí marketing, chi phí phân phối...

Đó là điều hàng chục năm qua chúng ta đã không làm được, hoặc không muốn làm, để cho dư luận đặt dấu hỏi!

Thêm một điều nho nhỏ: các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là doanh nghiệp. Đừng giao cho họ thêm nhiệm vụ làm công tác xã hội, phân phát trợ giá, cân bằng giàu nghèo... Chúng ta đã thử làm như vậy trước đây và kết quả là thảm họa.

(Theo Khám phá)