- Năm nay, dù vật chất sắm sửa cho gia đình không nhiều hơn so với năm trước, nhưng 44 thầy giáo của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 lại đón một cái Tết với nhiều niềm vui và hứng khởi.

Trường Tiểu học Tri Lễ 4 nằm giữa bản làng người Mông, vốn được xem là một trong những điểm khó khăn nhất của huyện Quế Phong vì đường sá đi lại và các điều kiện vô cùng khó khăn.

Cách trung tâm thị trấn hơn 30km, nhưng vào được trường phải đi mất cả ngày. Để đến được điểm trường, các giáo viên nơi đây phải vượt qua những cung đường dốc, hiểm trở bám theo sườn núi. Con đường này mùa khô cát bụi mịt mù, mùa mưa thì ngập trong bùn đất lầy lội.

Đây còn là ngôi trường được biết đến với nhiều “không”: không đường ôtô, không điện, không Internet…

Cũng vì những điều kiện quá khó khăn, nên kể từ ngày thành lập đến nay đã hơn 35 năm, ngôi trường này không hề có bóng dáng của các cô giáo. Thay vào đó, các thầy giáo ngày đêm miệt mài cắm bản, vượt khó để gieo chữ ở tất cả 6 điểm trường với 29 lớp học.

Những nỗ lực không mệt mỏi của các thầy đã được ghi nhận, đặc biệt trong năm nay, với giải thưởng Ấn tượng VTV năm 2017 và nhiều sự kiện tuyên dương khác.

Tết này vui hơn!

Trở về nhà sau một năm bám trường bám lớp, chiều 27 Tết, thầy giáo Nguyễn Hồng Hiệp chia sẻ đã sắm được một cành đào cho ngôi nhà nhỏ của mình ấm cúng hơn.

{keywords}
Thầy giáo Nguyễn Hồng Hiệp gói bánh chưng chuẩn bị cho ngày Tết.

“Dạy xa nhà, vợ cũng đi làm từ sáng sớm đến tối mịt, giờ tôi về cả nhà mới sắm sửa Tết. Tôi cũng đã chuẩn bị nếp và lá dong, đỗ xanh để anh chị em cùng nhau gói bánh chưng. Nhà không gói nhiều, nhưng đã thành lệ, để các con cũng cảm nhận được cái không khí ngày Tết” - anh Hiệp nói.

Với anh Hiệp, năm 2017 khá thành công và nhiều niềm vui với bản thân anh cũng như tập thể nhà trường. Anh Hiệp còn là 1 trong số 22 cá nhân được tỉnh Nghệ An tuyên dương Đảng viên trẻ xuất sắc của năm trên tất cả các lĩnh vực. 

“Về vật chất không đáng kể nhưng phần thưởng tinh thần cho năm qua là vô giá. Tết năm nay có lẽ không chỉ tôi mà các anh em khác trong trường chắc chắn đều cảm thấy vui và hứng khởi hơn”.

Trên bức tường ngôi nhà nhỏ của anh năm nay được trang trí thêm những bằng khen của tỉnh ủy, tỉnh đoàn về các danh hiệu đảng viên tiêu biểu, chiến sĩ thi đua của huyện…

Hỏi chuyện quà Tết, anh Hiệp cười: “Mình không có gì để cho học sinh và phụ huynh thì thôi, chứ chuyện được nhận quà thì không bao giờ nghĩ đến”.

Anh nói ở nơi điều kiện còn khó khăn, vất vả thì những giáo viên như các anh không bao giờ nghĩ đến việc được phụ huynh tặng quà Tết. Thậm chí. hầu như năm nào cũng vậy, các thầy còn phải mua quà Tết hỗ trợ, động viên học sinh nghèo.

{keywords}
Ngôi nhà của anh Hiệp được trang trí Tết bằng những tấm bằng khen

Nói về kế hoạch những ngày tới, anh Hiệp chia sẻ ngoài chúc Tết người thân gia đình và bạn bè, các thầy luôn có kế hoạch cho “những anh em Tri Lễ 4”.

“Khoảng 10 - 20 người ở gần nhau thường tập trung lại rồi cùng đưa cả vợ con đến chơi, chúc tết các nhà. Đến nhà nào trùng vào giờ ăn thì sẽ ăn Tết ở nhà đó luôn. Những đồng nghiệp ở sâu hơn, gần trường thì vì việc đi lại khó khăn nên sẽ gặp mặt vào ngày tập trung sau Tết".

Như mọi năm, trên hành trình lên trường học, anh Hiệp sẽ ghé thăm cả nhà bà con người dân gần trường và học sinh để chúc Tết.

Năm 2018, anh Hiệp chỉ mong những lời hứa hỗ trợ của các đơn vị cho nhà trường sớm trở thành hiện thực để anh em giáo viên bớt phần nào vất vả. 

“Mong tập đoàn TH sớm xây cho trường mới, thường vụ tỉnh đoàn sớm hỗ trợ để làm nhà công vụ cho giáo viên. Bản thân mình chỉ mong sao cho mạnh khỏe, bởi có sức khỏe thì mới có thể tiếp tục làm các việc khác và dạy dỗ học sinh. Và mong ước lớn nhất là học sinh luôn đến lớp đủ đầy” - anh Hiệp tâm sự.

{keywords}
Anh Hiệp cùng cô con gái trang hoàng nhà cửa

Năm nay không phải sang hàng xóm xem nhờ tivi

Trong số các thầy giáo ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4, có lẽ anh Nguyễn Văn Khoa (sinh năm 1983) khó khăn nhất, bởi anh ở xa trường nhất và luôn thường trực nỗi lo khi con trai bị bệnh tim bẩm sinh.

Nhà ở thị xã Hoàng Mai, cách trường tới 200km, anh đi xe máy về tới nhà vào tối 25 âm lịch và bắt tay ngay vào việc sắm sửa Tết. 

{keywords}
Anh Nguyễn Văn Khoa chuẩn bị bánh chưng ngày Tết

 Anh Khoa cho biết đã mua được cành đào và 3 con gà. “Năm nay vui hơn so với mọi năm bởi được lên truyền hình, được tuyên dương và chúc mừng. Tôi được mọi người xung quanh hỏi thăm và biết đến nhiều hơn, cảm thấy điều vui nhất là sự chia sẻ”.

Tuy nhiên, với đồng lương và thưởng tết ít ỏi, việc sắm Tết của gia đình anh cũng khá chật vật.

“Cần thì rất nhiều, nhưng mình vẫn phải tìm cách khắc phục khó khăn thôi. Thật sự lắm lúc nghe chuyện thưởng Tết cao ở đâu đó, mình cũng hết sức chạnh lòng vì đi xa nhà, xa vợ con cả năm cả tháng nhưng không lo được Tết cho đầy đủ”.

Anh tâm sự với số tiền thưởng được các đơn vị hỗ trợ sau 2 lần được tuyên dương, dù chẳng thấm tháp gì với số tiền 80 triệu đồng gia đình anh đang vay nợ nhưng cũng giúp anh được phần nào. Gia đình anh vào cảnh nợ nần vì cách đây 4 năm, ca mổ cho con trai đầu lòng bị tim bẩm sinh hết 200 triệu đồng, quỹ từ thiện hỗ trợ 100 triệu đồng, anh chị tích góp được 20 triệu đồng và vay nợ số còn lại.

Hỏi có điều gì mới trong nhà năm nay, anh nhắc ngay đến cái tivi giá 2,5 triệu đồng một cách đầy hứng khởi. Sinh năm 1985, lập gia đình được 8 năm, nhưng đến nay nhà anh mới có tivi.

“Tết năm nay nhà mua được cái tivi giá 2,5 triệu đồng. Thực ra, tivi không phải cái gì đó to tát hay quá khó để mua, nhưng còn mắc nợ số tiền lớn nên vợ chồng phải chi li. Năm nay có tiền thưởng hỗ trợ chứ không chưa chắc mình đã mua. Có tivi, thấy không khí trong nhà rạo rực hơn. Hai con được xem các chương trình tivi thì vui lắm, thoát cảnh trước đây cả nhà phải đi xem nhờ hàng xóm”.

{keywords}
Anh Khoa và con trai với cành đào mới mua

 

Hỏi về điều ước năm mới, anh Khoa thổ lộ mong muốn các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm tới trường, hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất để anh cùng các đồng nghiệp có thể phát huy hết khả năng.

“Về phía gia đình, chỉ mong ai cũng mạnh khỏe, đừng ốm đau mỗi khi trái gió trở trời để mình có thể yên tâm công tác, bởi mình không thể chăm lo vợ con mỗi ngày được. Và cũng chỉ như vậy gia đình mới có thể giải quyết được khoản nợ 80 triệu đồng” - anh Khoa nói.

Với đồng nghiệp. phải đến ngày đi làm trở lại anh Khoa mới gặp mặt chúc Tết được.  

“Cũng như mọi năm, Tôi thường gọi điện thoại để hỏi thăm, cập nhật tình hình và chúc mừng năm mới đến 43 anh em khác. Đến ngày lên trường trở lại, mình mới có thể qua nhà chúc Tết mọi người. Và như vậy, quãng đường đến trường không còn thấy xa, mà trở nên ấm áp hơn nhiều” - anh Khoa nói.

Thanh Hùng

44 thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 giành giải ấn tượng VTV năm 2017

44 thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 giành giải ấn tượng VTV năm 2017

Vượt qua khó khăn thiếu thốn, quyết tâm bám trường, 44 thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (tỉnh Nghệ An) vừa được trao giải thưởng ấn tượng VTV năm 2017 ở hạng mục Nhân vật của năm.