Bán đào rẻ mạt trước Tết đã buồn. Tết xong, đi mua lại gốc đào về trồng còn nhiều chuyện khiến người nông dân đau lòng hơn.
Hết Tết cũng là lúc những người nông dân trồng đào lại bắt tay vào công việc mới – thu mua lại gốc đào để chuẩn bị trồng cho Tết năm sau. Việc mua lại “xác đào” tưởng chừng như đơn giản nhưng thật lắm gian truân. Rong ruổi khắp các ngõ ngách để tìm kiếm, người nông dân còn bị khách chơi đào “hét giá” vô tội vạ.
Chị Lê Hiền, chủ một vườn đào ở An Dương, Hải Phòng cho biết chị đang đi thu mua lại gốc đào để trồng cho vụ năm sau. Năm nay, đào nở nên khó bán và giá rẻ vô cùng nhưng khi mua lại gốc đào héo, khách quát giá cao cắt cổ.
Bỏ công chăm sóc cả năm, cây đào tươi rói của chị Hiền chỉ bán được 200 ngàn đồng. Vậy mà gốc đào héo của khách chơi lại được quát giá lên đến 100 ngàn đồng. |
“Cảm giác thật buồn. Cuối năm, mình bán đào vô cùng vất vả, năm nay đào nở nên khó bán vô cùng, giá lại rẻ mạt hạng. Bán được một cây đào thì khách cũng mặc cả từ mặt đất trở lên. Nhà mình toàn đào 1 năm nên giá cũng chỉ được từ 200 đến 250 ngàn 1 cây đào. Vậy mà Tết xong, đi mua lại gốc đào một năm về nhà để trồng, lại có chuyện làm cho người nông dân như mình buồn quá.
Khách mua được cây đào thì trả giá rẻ như thể người nông dân chỉ cần cắm cây xuống rồi nhổ lên là có đào bán cho họ. Vậy mà khi, người nông dân là mình đi mua lại gốc về trồng thì họ lại đòi giá cao cắt cổ. Có người đòi đến 100 ngàn một gốc đào 1 năm, mà đáng lẽ ra mình chỉ mua lại khoảng vài ba chục. Khi đã vào tay họ rồi, đào của mình thành vàng rồi sao”, chị Hiền nhói lòng tâm sự.
Chị chia sẻ rằng, hai vợ chồng chị đều đi làm công ty vừa tranh thủ trồng trọt cả năm 365 ngày, đến Tết thu tất tần tật được 12 triệu. Trừ giống, phân bón, công chăm sóc cả năm cũng còn được 5 triệu gọi là tiền lãi. 5 triệu chia cho 2 vợ chồng trong vòng 12 tháng, tính nhanh mỗi người cũng được 6 nghìn 420 đồng một ngày.
Với những người làm vườn, để có được một gốc đào già mất rất nhiều thời gian và rất quý. Nếu làm theo cách thông thường là chiết cành hoặc nuôi gốc, phải mất vài ba năm mới có một gốc đào to, già đủ tuổi chơi Tết. Để đỡ tốn thời gian, người trồng đào thường đi gom những gốc đào mà người dân đã chơi hết Tết để trồng lại.
Gốc đào với người nông dân rất quý, nhưng với khách chơi thì hết Tết là trở thành rác, đem đi vứt bỏ. Ngày trước khi chưa có người đi thu gom đào, sau Tết là các xe rác ngập nặng. Nay có người “dọn rác” hộ, nhiều gia đình sẵn sàng cho luôn, không lấy tiền nhưng cũng có lắm người tận thu từng đồng từng cắc.
“Vẫn còn những người rất tốt bụng, họ gọi vào, họ không lấy tiền mà còn cho cả cây lẫn chậu mang về nhà. Vì họ biết, người nông dân đã quá khổ cực rồi, cái gốc đào có mấy chục, cũng không đáng là bao. Đúng là xã hội mà, có người xa hoa, có người nghèo khó, có người phóng khoáng, có người keo kiệt bủn xỉn, mình cũng biết vậy nhưng…vẫn buồn”, chị Hiền chia sẻ.
Kim Minh