Tại Điều 8, dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ  (Bộ Công an chủ trì soạn thảo), quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Đây là căn cứ để lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc về nội dung trên vì cho rằng quá nghiêm khắc, chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

Thậm chí, có người lo ngại uống rượu từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau vẫn có thể bị phạt vi phạm nồng độ cồn khi chẳng may trong hơi thở còn hơi men.

Anh Nguyễn Văn Mạnh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, thay vì cấm tuyệt đối uống rượu, bia khi lái xe thì luật nên quy định ngưỡng cho phép, chẳng hạn như uống 1 chén nhỏ rượu hoặc 1 lon bia sau  3 - 4 giờ được phép điều khiển phương tiện.

con doi 7 543.jpeg
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn với tài xế điều khiển phương tiện. (Ảnh: Đình Hiếu)

Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề trên, PGS. TS. Phạm Việt Cường (Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng) cho rằng, quy định không được phép có nồng độ cồn trong máu với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông ở nước ta là hợp lý.

Bởi vì vấn đề này nhiều năm trước chưa thực hiện được, đến giữa năm 2019, Quốc hội mới thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ đầu năm 2020 nhưng lại gặp 2 năm bùng phát dịch Covid-19, nên thực sự mới triển khai mạnh mẽ được khoảng 1 năm trở lại đây.

“Rõ ràng qua những chiến dịch của lực lượng CSGT thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cho thấy tác động của Luật rất tốt.

Điều này thể hiện qua việc thay đổi hành vi của người dân rất nhiều. Tỷ lệ người uống rượu lái xe đã giảm rõ rệt, tai nạn giao thông do rượu bia gây ra cũng giảm. Do đó, tôi cho rằng đạo luật tác động rất tốt”, ông Cường nhận định.

Ông Cường cho biết từng tham gia một số hội thảo do Bộ Công an tổ chức. Tại đó, các báo cáo đều khẳng định chưa gặp trường hợp nào ăn hoa quả hay thực phẩm lên men mà bị xử phạt tương tự như vi phạm nồng độ cồn do uống rượu bia.

“Do đó tôi cho rằng quy định tài xế không có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hợp lý. Về mặt khoa học, khi anh đã có nồng độ cồn trong người là đã bắt đầu bị tác động lên hệ thần kinh.

Mức độ đào thải cồn tùy thuộc vào mỗi cơ thể nhưng về nguyên tắc cồn sẽ phân hủy hết sau khoảng 6 - 8 giờ. Vậy nên, nếu nói rằng uống rượu bia từ tối hôm trước mà sáng hôm sau vẫn có thể bị phạt vi phạm nồng độ cồn thì chứng tỏ người đó uống rất nhiều.

Điều đó cũng có nghĩa là trong máu, trong hơi thở của người đó có lượng cồn, sự ảnh hưởng của cồn tới hệ thần kinh vẫn còn nguyên. 

Không riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở”, ông Cường nhấn mạnh. 

Ông Cường cho rằng, về lâu về dài khi người dân có ý thức chấp hành nghiêm túc quy định về nồng độ cồn thì lúc đó có thể cân nhắc việc cho phép một giới hạn nhỏ, còn trong giai đoạn hiện nay cần phải giữ nguyên quy định như trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đang được Bộ Công an xin ý kiến Quốc hội. 

Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu lái xe sẽ bị xử phạt khi có nồng độ cồn vượt mức 0.

Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ô tô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.