Rủi ro lộ lọt thông tin cá nhân của trẻ em trên môi trường số, dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực đã được cảnh báo nhiều năm nay trên thế giới.

Tổ chức Inhope dẫn từ Hiệp hội nhân viên trường học California cho biết, tỷ lệ hình ảnh và video bất hợp pháp về trẻ em tiền dậy thì (3 - 13 tuổi) trong tổng số hình ảnh và video bất hợp pháp đã tăng từ 56% (122.276) năm 2016 đến 79% (148.041) năm 2017, và 89% (223,999) năm 2018. 

Tại Việt Nam, báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MDS) năm 2020 cũng cho thấy 66,6% số người tham gia khảo sát lo lắng về rủi ro lộ lọt thông tin cá nhân của trẻ em.

Nhìn vào thực tế những năm gần đây, thông tin cá nhân, vấn đề riêng tư của người chưa thành niên vẫn chưa được quan tâm bảo vệ đúng mức. Không ít cơ quan báo chí vẫn tự do đăng tải thông tin về chỗ ở, địa chỉ của trẻ. Một ví dụ cụ thể là trường hợp trẻ em bị bạo hành tại Thái Bình, những thông tin này mặc dù bố mẹ của trẻ đồng ý nhưng bản thân bố mẹ của trẻ cũng chưa nhận thức được việc để lộ thông tin của trẻ trên mạng có thể dẫn đến trường hợp những kẻ xấu lợi dụng các thông tin này để thực hiện các hành vi xấu, xâm hại trẻ. 

Cần giảm thiểu tối đa việc thông tin cá nhân của trẻ em bị công bố trên báo chí và trên mạng xã hội.

Một hiện tượng khác cũng đã dấy lên nhiều luồng ý kiến khá gay gắt trong dư luận, đó là một số YouTuber xây dựng các clip về cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của trẻ em/người chưa thành niên bị xâm hại tình dục, sau đó đăng lên mạng xã hội nhằm kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng mạng. Những clip này sẽ vĩnh viễn không bao giờ bị mất đi. 

Những rủi ro còn đến từ việc nhiều vị phụ huynh “vô tư” chụp và đăng tải hình của trẻ trên các trang mạng xã hội như Facebook, dẫn đến nguy cơ kẻ xấu lợi dụng các thông tin này để xâm hại trẻ hoặc tùy tiện công bố các thông tin này cho kẻ khác sử dụng vì mục đích xấu. 

Trong một số trường hợp, chính trẻ em là đối tượng đăng tải những không tin cá nhân của mình mà không lường trước được hậu quả. 

Cần lưu ý, các thông tin về trẻ sau khi đăng tải trên mạng xã hội đều được lưu giữ giống như một hồ sơ cá nhân của trẻ. Những thông tin không phù hợp có thể được sử dụng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ.

Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành CyberPurify đề cập tới khái niệm “dấu chân số” và cảnh báo hậu quả khôn lường với trẻ em: Khi ngày càng nhiều trẻ sử dụng Internet và mạng xã hội với độ tuổi ngày một rút ngắn, tất cả trẻ em đều có nguy cơ tạo ra dấu ấn số tiêu cực. Rất khó để các phụ huynh xác định dấu vết số tiêu cực của trẻ em vì phụ thuộc tuổi tác, mức độ hiểu biết về công nghệ cũng như các hoạt động cụ thể mà các em tham gia trực tuyến. 

Được biết, Nghị định số 56/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em đã có các quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (chương V), trong đó, Điều 36 có quy định “Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng”: “1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.

2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

3. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em”.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người, các quy định pháp lý cũng như khuyến nghị về việc bảo vệ thông tin cá nhân, riêng tư của trẻ trên môi trường số hiện vẫn còn sơ sài và chưa rõ ràng.

Ứng dụng công nghệ là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ trẻ em trên mạng Internet. 

Một số giải pháp được đề xuất nhằm tăng hiệu quả bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em trên môi trường số.

Theo đó, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên nhắc nhở các cơ quan báo chí về vấn đề thông tin cá nhân của trẻ em trên báo chí thông qua các cuộc giao ban thường kỳ.

Các nhà mạng xuyên biên giới gỡ bỏ thông tin xâm phạm quyền bảo vệ thông tin cá nhân, riêng tư của người chưa thành niên.

Doanh nghiệp cung cấp giải pháp, dịch vụ số cần cam kết đồng hành, kịp thời xử lý, ngăn chặn các nội dung, hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; Phối hợp với các cơ quan chức năng có các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ.            

Cha mẹ, thầy cô, người chăm sóc trẻ  cần cẩn trọng, theo dõi giám sát chặt chẽ các hoạt động của con trẻ trên môi trường mạng…; Dạy trẻ phải biết cách sử dụng Internet an toàn,  thận trọng khi chia sẻ các thông tin cá nhân trên môi trường số.

Văn Thường và nhóm PV, BTV