Bà T.K.K.G (45 tuổi, trú tại Hà Nội) được người nhà đưa vào Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám và điều trị rối loạn hoang tưởng kéo dài.
Bà lập gia đình từ năm 19 tuổi, hiện đã có 2 con đều đi làm. Tính cách của bà luôn vui vẻ, hòa đồng. Khoảng 2 năm nay, bà trở nên cáu gắt với mọi người trong nhà, luôn nghi ngờ chồng ngoại tình, ghen với người yêu cũ từ 30 năm trước.
Hằng ngày, bà thường xuyên tìm kiếm thông tin, theo dõi, hay kiểm tra Zalo của chồng. Thậm chí, tin nhắn công việc của chồng với kế toán cũng khiến bà nghi ngờ họ đang ngoại tình. Người phụ nữ này thường xuyên yêu cầu bạn đời chụp ảnh đang làm việc.
Ngoài ghen tuông vô cớ với chồng, bà còn cáu giận, chửi bới các thành viên trong gia đình, xu hướng bạo lực với người thân và bị mất ngủ, mệt mỏi kéo dài. Bệnh nhân có uống thuốc điều trị mất ngủ (không rõ nguồn gốc), tình trạng không cải thiện.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết bà G. bị rối loạn hoang tưởng ghen tuông. Khi vào viện, ban đầu, người bệnh không hợp tác điều trị.
Bệnh nhân được dùng liệu pháp hóa dược phối hợp các thuốc chống loạn thần và liệu pháp tâm lý cá nhân phối hợp với gia đình. Sau 28 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định, biểu hiện hoang tưởng giảm, cảm xúc hành vi phù hợp hơn, ăn ngủ tốt.
Theo bác sĩ Hoa, rối loạn hoang tưởng là những suy nghĩ, phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế. Bệnh có nhiều dạng khác nhau như:
- Hoang tưởng được yêu: Người bệnh tin rằng có người khác đang yêu họ. Họ thường cố gắng liên lạc với đối tượng thông qua các cuộc gọi điện thoại, thư từ hoặc tin nhắn điện tử. Hành vi này có thể là vi phạm pháp luật.
- Hoang tưởng tự cao: Người bệnh tự nhận có tài năng lớn hoặc đã thực hiện được một số khám phá quan trọng.
- Hoang tưởng ghen tuông: Người bệnh tin rằng bạn đời không chung thủy, ghen tuông thái quá. Thậm chí, quần áo đối phương xộc xệch hay vết bẩn trên ga giường cũng khiến họ nghĩ bị phản bội.
- Hoang tưởng bị hại: Người bệnh tin rằng họ đang bị làm hại, theo dõi, đầu độc.
- Hoang tưởng về cơ thể: Bệnh nhân luôn cảm giác có ký sinh trùng trên người hay cơ thể phát ra mùi hôi thối, các bộ phận bị biến dạng hoặc xấu xí.
Bác sĩ Hoa cho biết thêm những người có nguy cơ mắc bệnh hoang tưởng gồm có tiền sử gia đình bị bệnh, stress, căng thẳng mạn tính, sang chấn thời thơ ấu, lòng tự trọng thấp, sử dụng các chất gây nghiện…
Bệnh nhân thường có các triệu chứng như cảm thấy bị lợi dụng, nghi ngờ sự trung thành của bạn bè, phản ứng với điều nhỏ nhặt, cho rằng mình bị hại.
Theo bác sĩ, rối loạn hoang tưởng nếu không được điều trị có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm, gây ra bạo lực hoặc các vấn đề liên quan đến pháp lý. Ví dụ, người bệnh theo dõi hoặc quấy rối người khác.
Bệnh hoang tưởng gây cản trở các mối quan hệ, xa lánh người khác và không có biện pháp dự phòng hoang tưởng. Vì vậy, bác sĩ Hoa khuyến cáo việc chẩn đoán và điều trị sớm giúp làm giảm ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, gia đình và các mối quan hệ.