Sáng 2/6, phát biểu thảo luận về tình hình KT-XH, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đã nói về căn bệnh sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.
ĐB Hoa cho biết bà không nói đến những người cố tình làm sai, những người tham ô, tham nhũng cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật mà nói đến những người ngay thẳng, trung thực cũng có dấu hiệu bị nhiễm "căn bệnh" này.
Theo ĐB, đây không phải là vấn đề mới, nhiều đại biểu Quốc hội và báo chí cũng đã nêu.
“Có người cho rằng bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không. Nếu sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”, ĐB Hoa nói.
Nữ ĐB cho hay, thực tế cũng có một số cơ quan, địa phương đã chủ động mời các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thậm chí cơ quan công an vào cuộc ngay từ giai đoạn đầu của việc thực hiện dự án.
Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, ngoài nguyên nhân khách quan đó là quy định của pháp luật có những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và chưa có quy định của pháp luật về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thì còn có nguyên nhân chủ quan.
Cụ thể: Năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, không kịp thời cập nhật quy định của pháp luật có liên quan để tránh làm sai; người có thẩm quyền quyết định thiếu chuyên môn lại không dám tin cấp dưới; cấp dưới có trình độ còn hạn chế. Tinh thần làm việc thụ động, sợ trách nhiệm lại thụ động chờ ý kiến cấp trên.
Theo bà, tình trạng này không phải là phổ biến nhưng rất đáng lưu ý trong giai đoạn hiện nay và cần phải có những giải pháp cụ thể hơn để tránh. Đó là sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng hơn, minh bạch hơn; cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân.
Ngoài ra, luật hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; lựa chọn đúng cán bộ vào từng vị trí công tác; có chính sách thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao trình độ cho cán bộ, tăng cường hơn nữa sự tham gia của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong công tác phòng ngừa, cảnh báo.
Đề nghị xem xét tăng lương cơ sở để cán bộ yên tâm công tác
ĐB Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kết thúc các cuộc thanh tra và sớm có kết luận đúng - sai đối với vụ việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế trong toàn ngành y tế, vì để kéo dài sẽ tạo tâm lý lo lắng, không an tâm công tác của đội ngũ cán bộ y, bác sĩ.
Đồng thời, sớm rà soát lại hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế để có những sửa đổi phù hợp để đội ngũ cán bộ y tế sớm ổn định tinh thần, củng cố tổ chức bộ máy và vững tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Ông cũng đề nghị nghiên cứu có chính sách đặc thù, khuyến khích trọng dụng nhân tài trong bộ máy nhà nước. Trước mắt, chưa thực hiện cải cách chế độ tiền lương theo lộ trình. Đề nghị xem xét, cân đối nguồn kinh phí để điều chỉnh tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (việc này do dịch bệnh đã hoãn nhiều lần) để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, hạn chế những nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt trong thực thi công vụ.
ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) thì đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đặc biệt đến chính sách đối với cán bộ ngành y tế.
Theo bà, trải qua 4 đợt dịch Covid-19 vừa qua đã và đang bộc lộ những bất cập trong thực hiện chính sách đối với lực lượng này, nhất là tuyến cơ sở và y tế dự phòng.
ĐB mong Quốc hội, Chính phủ cần có sự chỉ đạo tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm quý báu từ công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua và đề nghị bên cạnh việc xử lý nghiêm những sai phạm cũng cần có chính sách phù hợp cả về vật chất và tinh thần để động viên, khuyến khích đối với cán bộ ngành y tế an tâm công tác, sau thời gian dài vất vả chống với đại dịch.
Hương Quỳnh