Một trong những cụm từ được giới underground nhắc đến rất nhiều thời gian gần đây là “fan rap tháng 8”. Khái niệm này trước hết là hướng đến những khán giả Việt bắt đầu quan tâm đến rap từ tháng 8 năm nay, thời điểm mà hai chương trình truyền hình thực tế về rap là King of Rap và Rap Việt cùng lên sóng truyền hình.
Nghĩa là có một bộ phận không nhỏ vốn không phải “fan ruột” của rap nhưng những tháng gần đây đã tiếp cận thể loại âm nhạc này từ truyền hình. Từ đó, nhiều người nghe rap trung thành coi “fan rap tháng 8” là “fan phong trào”, không hiểu về rap.
Nhưng MC ILL, người vẫn được coi là “giáo sư của rap” lại có một góc nhìn khác. Nam rapper cho rằng rap Việt thành công thời gian gần đây chính là nhờ vào “fan rap tháng 8”. Bởi lẽ, bao nhiêu năm qua, cộng đồng nghe rap vẫn vậy và rap vẫn vậy. Rap thực sự đạt hiệu ứng bùng nổ khi một cộng đồng nghe rap mới xuất hiện. Họ là những khán giả đại chúng.
Trong vụ MCK bị chỉ trích mới đây, một bộ phận bênh vực nam rapper cho rằng "chỉ có fan rap tháng 8 mới lên án MCK". Nhưng đó có phải bản chất vấn đề?
MCK gây tranh cãi với phát ngôn dung tục. |
Phát ngôn dung tục như MCK mới là rap?
MCK - một trong 8 thí sinh góp mặt ở chung kết Rap Việt - đang là tâm điểm của dư luận những ngày qua. Không chỉ công khai thừa nhận là người nói câu nhạy cảm trong clip của Gonzo, MCK còn đăng một “status” với ngôn từ dung tục để đáp trả những phản ứng dư luận.
MCK cho biết anh “trẩu” và “chọi” từ xưa, do vậy, mạng xã hội “không thể làm sống bớt thật hơn được”. Sau những chỉ trích, nam rapper quyết định ẩn - mở - ẩn bài viết. Nhưng trong lần ẩn gần nhất, nam rapper khẳng định sẽ tiếp tục mở lại sau khi chương trình Rap Việt kết thúc, như một cách thách thức dư luận.
Hành xử của MCK là điều chưa từng có tiền lệ với một thí sinh sẽ tranh ngôi quán quân ở một cuộc thi âm nhạc phát trên sóng truyền hình giờ vàng. Dù thực tế là trong thời gian bùng nổ, TV show có không ít sạn và scandal, song trước MCK, trường hợp thí sinh thách thức khán giả trước thềm chung kết, chưa từng được ghi nhận.
Nhưng nghịch lý là khác với hình dung về áp lực của một người đứng giữa tâm bão, hai ngày qua, MCK dùng mạng xã hội sôi nổi hơn hẳn.
Dưới những chia sẻ của MCK trên trang cá nhân những ngày qua, một số fan của nam rapper khen anh sống thật, "chất", đúng kiểu "dân chơi, hết mình". “Sống thế mới đúng là rap, mới chất, rapper là phải vậy, rapper nào mà chả nói tục chửi bậy”, “Đối đầu vớt hater và anti-fan luôn, không phải sợ”, là nội dung một số bình luận.
Một số khác cũng ủng hộ hành xử của MCK, cho rằng đó là điều bình thường của giới rap, chỉ có “fan rap tháng 8, người nghe rap phong trào mới phản ứng”.
Thí sinh Gonzo (đội Binz) sau thời gian bị chỉ trích vì câu trả lời “Gu của anh là mẹ em”, mới đây tiếp tục trở lại trên trang cá nhân để bênh vực MCK. Anh cho rằng bây giờ MCK gây tranh cãi nhưng 20 năm sau, MCK sẽ là “huyền thoại”. “2020 - Thiên tài gây tranh cãi. 2040 - Huyền thoại được thừa nhận”, học trò Binz viết trên trang cá nhân.
Trái ngược với Gonzo, nhiều khán giả lại cho rằng “huyền thoại” trong âm nhạc là tài năng, không phải mượn chuyện “sống thật” để phát ngôn dung tục, hành xử thách thức dư luận.
“Đừng vin vào underground hay rap, các bạn đang là thí sinh truyền hình. Trên truyền hình ca từ của các bạn rất đạo lý nhưng trên mạng xã hội lại hành xử như vậy”, một tài khoản bình luận.
Trong khi một rapper có tiếng chia sẻ với Zing: "Chuyện này là đáng tiếc, các bạn ấy nên xin lỗi thay vì thách thức dư luận. Đúng là khi giới rap sinh hoạt underground, bạn có thể chửi bới trên mạng, có thể chửi bới nhau cả trong bản rap. Nhưng nếu giữ cách hành xử như vậy, các bạn cứ ở underground với số ít khán giả của các bạn và không nên đi thi. Nhưng nói thật, nếu không đi thi, không có báo chí, dư luận, các bạn cũng chả nổi tiếng, chả được ai quan tâm đâu. Các bạn cứ trách fan tháng 8 nhưng không có fan tháng 8, bạn không là gì cả".
Gonzo bênh vực MCK, anh cho rằng bây giờ MCK gây tranh cãi nhưng 20 năm nữa MCK sẽ là "huyền thoại". |
MCK, Gonzo hủy hoại nỗ lực của giới rap?
Quay trở lại với câu chuyện của “fan rap tháng 8”. Dù một bộ phận nghe rap cho rằng những “rap fan tháng 8” là fan “phong trào”. Nhưng một thực tế được chính giới trong nghề công nhận, rap có được ngày hôm nay một phần là nhờ những đóng góp không nhỏ của những “fan rap tháng 8”.
Chính "fan rap tháng 8" giúp rap có một đời sống mới, giúp các rapper nổi tiếng hơn, được báo giới và truyền thông quan tâm. Không ít những lượt xem sản phẩm, những lời mời sự kiện, những hợp đồng quảng cáo mà các rapper đang cầm trên tay có đóng góp từ cộng đồng công chúng mới này.
Cần phải nhắc lại một điều là một thời gian dài trước đây rap bị truyền thông, khán giả đại chúng và cả giới chuyên môn chối bỏ. Rap Việt từng chịu nhiều định kiến, bị gắn với những gì là ngông cuồng, tăm tối, thậm chí tục bậy. Rapper rất ít khi có cơ hội được trả lời phỏng vấn báo chí, được xuất hiện trên truyền hình.
Song, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, giới rap Việt đã dần dần xóa đi những nghi kỵ. Ca từ của rap dễ chịu hơn nhiều, trong khi những cuộc rap diss cũng đã ít hơn.
Khoảng hơn một năm trở lại đây, Đen Vâu đặc biệt thành công vì những bản rap với ca từ đậm chất thơ. Nhạc rap bắt đầu có những MV được nhãn hàng tài trợ, đạt liên tiếp hàng chục triệu lượt xem. Nói như Hà Lê là rapper đã bắt đầu có cát-xê cao, nghìn USD, được truyền thông quan tâm, đơn vị doanh nghiệp để mắt.
Khi King of Rap và Rap Việt cùng lên sóng vào đầu tháng 8 và trở thành hai cuộc thi âm nhạc đầu tiên về rap phát trên truyền hình VTV3 và HTV2, rap thực sự có một đời sống khác.
Nhiều rapper từ ghế giám khảo, ghế huấn luyện viên hoặc chỉ là thí sinh của hai cuộc thi này đã nổi tiếng đại chúng, có nhiều show diễn, làm đại sứ nhãn hàng.
Cũng ở hai cuộc thi này, khán giả thấy những nội dung hoàn toàn khác những định kiến từng có về giới rap. Những bản rap về tình cảm mẫu tử, phụ tử, về anh em, gia đình, bè bạn; những bản rap nói lên sự đồng cảm chia sẻ với miền Trung, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống; những bản rap về tình yêu đôi lứa, về giấc mơ tuổi trẻ, về cách vượt quá cám dỗ của đồng tiền… đã chạm đến trái tim của nhiều người nghe nhạc. Nhiều người chưa từng nghe rap trước đây đã không bỏ sót bất cứ một đêm thi nào của Rap Việt, King of Rap, đã khóc, đã cười với rap.
Không còn những tăm tối, ngông cuồng như từng có, rap trên truyền hình là những câu chuyện nhân văn, là cách theo đuổi đam mê, là cách thể hiện cá tính, cái tôi cá nhân đẹp đẽ và những giá trị về gia đình, tình yêu, tình bạn.
Những ồn ào, scandal của một số rapper trong quá khứ cũng đã được báo giới và khán giả gác lại. Để làm gì nếu không phải là đón nhận sự thay đổi của họ?
Bước lên truyền hình, rapper trẻ đã trở thành thế hệ thần tượng mới
RichChoi ở King of Rap từng có một quá khứ điều tiếng. Một rapper từng bị cho là ngông cuồng, "trẻ trâu", từng đốt sách làm MV nhưng hôm nay ở King of Rap đã nhận được không ít thiện cảm. Là khi RichChoi khóc vì bản rap của Chị Cả, là khi RichChoi đi thi rap vì muốn bà nội thấy cháu trên truyền hình.
Ở sân chơi này, chàng trai 21 tuổi đã cho thấy sự thay đổi và trưởng thành. Sự tăm tối, nổi loạn trong quá khứ đã được gác lại, khán giả không còn nhắc đến. RichChoi với sự trưởng thành, với năng lượng tích cực đang được đón nhận, ủng hộ như một ứng cử viên sáng giá cho ngôi vị quán quân của King of Rap.
MC ILL, Hà Lê hay Wowy đều đồng quan điểm rằng rap trên truyền hình không phản ảnh toàn bộ đời sống của rap. Song, đó là điều cần thiết. Khi rap lên truyền hình rap cần giới thiệu những mặt tích cực để chinh phục nhiều đối tượng khán giả từ trẻ em đến người lớn.
Và, các rapper cũng đã nỗ lực để mang đến những hình ảnh đẹp nhất. Đẹp từ những bản rap đến những ứng xử trên mạng xã hội.
Sân khấu truyền hình chính là một sân khấu đại chúng rộng lớn bậc nhất, đông khán giả thuộc mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Ở sân khấu ấy kể từ tháng 8 đến nay, những rapper trẻ đang trở thành những thế hệ thần tượng mới của âm nhạc, họ đang viết nên những điều đẹp nhất về rap, họ đang truyền cảm hứng để rap trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hay nói như đại ý của Binz, giờ đây, bên cạnh những ước mơ trở thành cô giáo, bác sĩ, kỹ sư... sẽ có rất nhiều em bé ước mơ lớn lên trở thành một rapper (điều mà trước đây gần như không có).
Chính bởi gánh trên vai sứ mệnh truyền cảm hứng, giữ hình ảnh trên một sân khấu đại chúng rộng lớn, những rapper trẻ khi "sống thật" để văng tục, chửi bậy đã châm ngòi cho sự tranh cãi bất tận về rap.
Ở Rap Việt, Gonzo là tác giả của những ca từ chứa đựng không ít đạo lý, đẹp đẽ với “không thầy đố mày làm nên” nhưng anh cũng là chủ nhân của câu nói “Gu của anh là mẹ em”.
Tương tự, MCK ở Rap Việt cũng từng nhận được không ít tung hô vì những bản rap love (rap về tình yêu) rất đẹp nhưng đã chọn cách phát ngôn dung tục, thách thức khán giả ngay trước thềm chung kết.
MCK và Tlinh cùng có mặt ở đêm chung kết xếp hạng của Rap Việt tới đây. |
Gonzo hay MCK đều đang là những thí sinh tranh ngôi quán quân Rap Việt. Sóng giờ vàng đang chờ họ, cho đêm chung kết xếp hạng. Có thể, trong trận đấu cuối cùng, cả hai sẽ tiếp tục mang đến những đạo lý, những bản rap đẹp, bất chấp những hành xử bị chỉ trích trên mạng.
Lịch sử truyền hình thực tế đã có ít nhất một thí sinh The Voice phải xin dừng thi vì scandal, một MC khác từng bị loại khỏi show vì phát ngôn tranh cãi. MCK không lẽ vẫn biểu diễn ở chung kết Rap Việt và có cơ hội thành quán quân chương trình?
Theo Zing
Trấn Thành lại khóc trong chung kết Rap Việt
MC Trấn Thành nghẹn ngào nói với RPT Gonzo: “Vì bạn mà người ta kêu tôi Thành Cry một lần nữa”.