Gần 20 năm qua anh Nguyễn Hoàng Tuấn (44 tuổi, ngụ TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã sưu tầm được 23 cây me kiểng cổ với thế độc đáo. Bộ sưu tập me kiểng của anh Tuấn đã xác lập kỷ lục Việt Nam.
Anh Tuấn cho biết, gần 20 năm nay anh có sở thích sưu tầm những loại cây có kích thước lớn, dáng độc lạ như cây sộp, vú sữa, khế… nhưng nhiều nhất là cây me.
Tính đến nay anh Tuấn đã có riêng cho mình bộ sưu tập me kiểng cổ với số lượng 23 gốc, toàn bộ đều có tuổi thọ hơn 200 năm và được anh Tuấn săn lùng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
"Tiêu chí để tôi liệt vào bộ sưu tập là những gốc me lớn có tuổi thọ ít nhất 200 năm. Ngoài ra hình dáng của chúng phải độc đáo như một cốt nhiều thân, dáng nằm ngang hoặc dáng như con thú…", chủ bộ sưu tập chia sẻ.
Cũng theo anh Tuấn, do mỗi cây me sở hữu dáng hình khác nhau nên anh sẽ căn cứ vào vẻ ngoài để đặt tên và chỉnh sửa nhánh, tàn cây cho phù hợp. Những cái tên thú vị mà anh Tuấn khoác lên mỗi cây me như: gió lùa, ngũ phúc lâm môn, song lão trường thọ…
Trong số này, nổi bật nhất là cây "Song lão trường thọ". Đây là cây me anh Tuấn thích nhất trong bộ sưu tập vì tuổi đời lâu nhất, dáng đẹp nhất và cây này còn đạt kỷ lục "Cây me kiểng cổ thụ có hình dạng 2 thân cùng một gốc đạt giá trị độc bản Việt Nam".
"Cây me này có chiều cao 4,5m, đường kính tán rộng 5m, hoành gốc đến 5m. Do được trồng lâu năm nên thân cây khá lớn, gốc cây và rễ cây nổi lên những u nần trông như những con thú rất đẹp mắt", anh Tuấn nói thêm.
Ngoài "Song lão trường thọ", bộ sưu tập me kiểng cổ của anh Tuấn còn khiến người khác trầm trồ, xuýt xoa khi anh sở hữu một cây me dáng nằm có chiều dài lên đến gần 6m.
Cây me độc đáo này được anh Tuấn đặt tên "Rừng cây (ngũ phúc lâm môn)", được anh sưu tầm trong năm 2021 ở Quảng Trị.
Lý giải cho cái tên đặc biệt này, chủ vườn kiểng cho biết: "Cây me này có một thân nhưng đến tận 5 gốc. Thân me nằm ngang, thân ngã đến đâu rễ bò lan đến đó giống như cây sộp, cây gừa.
Thông thường với cây me người ta chỉ thấy nó mọc thẳng đứng hoặc mọc nghiêng rất hiếm có cây nào mọc ngang và dài đến thế. Vì độc lạ như thế nên tôi quyết phải sở hữu cho được nó".
Chuyến đi đến Quảng Trị cũng không phải là đoạn đường xa nhất mà anh Tuấn đi đến, có những cây me anh Tuấn phải mất cả tháng trời mới mang về được tận nơi. Mỗi cây khi được đem về điểm trưng bày phải được chăm sóc đặc biệt để cây phục hồi, sau đó mới chỉnh sửa, uốn nắn các chi cho hình dáng hài hòa hơn.
"So với mai vàng hay các loại cây kiểng khác, cây me phải mất từ 5-7 năm mới chỉnh sửa hoàn tất", anh Tuấn nói thêm.
Hiện, 23 "lão me" của anh Tuấn đang được trưng bày tại Câu lạc bộ Mai Vàng ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp để cho du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. Đặc biệt, năm 2021 này anh Tuấn còn nhận kỷ lục "Bộ sưu tập me lớn nhất Việt Nam".
Theo Dân Trí
Ngắm 'cụ' thị gần 500 năm tuổi vẫn xanh tươi, sừng sững
Hàng trăm năm qua, dù trải qua bao mưa gió, bom đạn thời chiến tranh, cây thị cổ thụ của một dòng họ ở Hà Tĩnh vẫn xanh tươi, đứng sừng sững giữa đất trời.