Kỹ nghệ sản xuất rượu vang siêu tốc.
Một ngày giữa tháng 1.2019, ôtô, xe máy chở rượu đến từ nhiều tỉnh thành ra vào nườm nượp tại con ngõ nhỏ nằm trên đường Ba La (Hà Đông, Hà Nội).
Cận cảnh quy trình sản xuất rượu vang nho hảo hạng tại cơ sở tại Phú La (Hà Đông, Hà Nội). |
Điểm đến của tất cả là ngôi nhà lợp mái tôn nằm sâu trong ngõ - cơ sở sản xuất rượu vang và sâm panh của bà Nguyễn Thị Hoa.
Cả chủ hàng và khách buôn, ai nấy đều tất bật bởi sắp đến Tết nguyên đán - đợt cao điểm tiêu thụ rượu trong năm. Thành, một khách buôn rượu đến từ Thanh Hóa cho biết, anh là mối hàng quen của chủ cơ sở, mỗi lần nhập cả trăm két rượu.
"Rượu vang và sâm panh ở đây nổi tiếng giá siêu rẻ, chỉ ngang giá nước khoáng", vị khách buôn lý giải về việc cất công đi hàng trăm km lên Hà Nội "đánh" hàng.
"Kỹ nghệ" pha chế rượu siêu tốc
Bên trong nhà, bà Hoa, chủ cơ sở vừa tất bật chỉ đạo gần 10 nhân công pha chế, vừa nhanh nhẹn ghi chép lượng hàng tiêu thụ vào trong một cuốn sổ đã chi chịt chữ. "Cuối năm, quá tải, làm không kịp bán", bà than với nhân viên.
Nhân công không nhiều nhưng mỗi ngày cơ sở này vẫn sản xuất được hàng trăm lít rượu, bởi theo lời những người pha chế, họ được chủ cơ sở hướng dẫn kỹ nghệ sản xuất rượu siêu tốc, có một không hai.
Cảnh pha chế rượu vang. |
Chúng tôi được Hương (32 tuổi, Hà Nội), nhân viên pha chế tại xưởng rượu hướng dẫn quy trình.
Đầu tiên, người phụ nữ vục tay trần vào xô nhựa múc ra một lượng nhỏ dung dịch màu đổ vào chai sành. Tiếp đến, cô vặn vòi lấp đầy chai sành bằng một lượng dung dịch màu trắng, ngửi thoáng qua giống như mùi cồn. Sau đó lấy bàn tay đập mạnh để đóng chặt nắp chai. Lượng dung dịch thừa bị tràn ra xô tiếp tục được đổ vào một chai khác. "Thế là xong", Hương nói, "Dễ như bỡn, nhìn qua một lần là tự làm được ngay".
Trong khoảng 30 phút, hàng trăm chai rượu thành phẩm được pha chế với công thức trên, chúng liền được dán tem, nhãn, quảng cáo là sâm panh và rượu vang nho hảo hạng.
Chai sành tái chế xúc rửa một lần duy nhất để đựng rượu thành phẩm. |
Tại xưởng pha chế, chúng tôi nhìn thấy nhiều bao đường, hương liệu và chất tạo màu. "Cái đó dùng để làm gì", tôi hỏi. "Đừng hỏi nhiều, làm đi. Bà Hoa nghe thấy lại ăn chửi", Hương gắt gỏng.
Ở bên ngoài xưởng, hàng ngàn chai sành cũ dạng sâm panh và vang nho được nhập về từ nhiều nơi, sục rửa một lần duy nhất trước khi được sử dụng để đóng rượu thành phẩm. Một mẻ rượu mới chuẩn bị "cháy" hàng.
Giá ngang nước lọc
Trong nhiều ngày có mặt tại xưởng rượu, nhóm PV chứng kiến nhiều mối buôn từ các tỉnh thành lân cận đến "đánh" hàng. Có cả chủ buôn rượu từ chợ Thổ Tang (Vĩnh Phúc).
Theo tìm hiểu, hàng sau đó được phân phối về các tạp hóa ở nhiều vùng quê, xuất hiện trong các giỏ quà biếu Tết như một món đồ thể hiện sự trang trọng.
Nườm nượp khách buôn đến nhập rượu. |
"Vang "xịn" nhập buôn là 18.000 đồng/chai 1 lít bán ra thì cũng tùy nơi, dao động 50 - 60.000 đồng/chai", Thành - mối buôn rượu từ Thanh Hóa cười tươi như hoa. "Rượu để tặng chứ có ai uống đâu".
18.000 đồng/lít rượu vang, tức chỉ bằng 1/4 giá rượu nguyên chất đang bán trên thị trường và ngang ngửa giá 1 lít nước khoáng.
Chính những nhân công tại xưởng pha chế rượu thú thật là họ cũng chả dám uống thứ rượu mà chính tay mình sản xuất, bởi chẳng biết thành phần pha chế gồm những nguyên liệu gì.
"Hỏi bà ấy (bà Hoa - chủ cơ sở) là ăn mắng ngay, đừng dại mà hỏi", một nhân công khác cho hay.
Tiến hành thực nghiệm đơn giản tại mẫu rượu vang nho tại cơ sở trên, không hề có mùi của nho mà chỉ có mùi cồn cùng một màu rất khác lạ, lâu trôi khi bám trên quần áo và giấy thấm.
Với chất tạo màu được lấy từ cơ sở trên, chỉ trong khoảng 5 giây hòa tan vào nước, đã tạo ra màu giống hệt như rượu vang đã được ngâm, ủ lâu năm.
Trao đổi với PV, Ths, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi - nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng BV 198 (Bộ Công an) cho biết: "Tình trạng ngộ độc rượu trong các ngày lễ, Tết diễn ra chủ yếu do nạn nhân uống phải rượu pha chế sử dụng nhiều hương liệu, chất tạo màu và quy trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh". Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng BV 198 cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng những loại rượu giá siêu rẻ bởi chúng có thể được pha chế từ nhiều dung dịch không rõ nguồn gốc, xuất xứ có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. |
(Theo Lao Động)