- Bộ Thông tin - Truyền thông tập trung góp ý vào những quy định liên quan đến quyền đối với hình ảnh, bí mật đời tư, quyền tác giả trong dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi.
Phát biểu tại hội nghị của Bộ góp ý dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi sáng nay, Thứ trưởng TT&TT Lê Nam Thắng nhấn mạnh: "Bộ luật Dân sự tác động mạnh đến việc xây dựng các luật chuyên ngành trong lĩnh vực TT&TT".
Đối với quyền của cá nhân với hình ảnh, ý kiến của Bộ là quy định hiện hành về cơ bản là đúng, nhưng không cần quá chặt chẽ rằng "việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó", khi không quy định cụ thể thế nào là đồng ý.
Trong khi đó, các quy định của báo chí, xuất bản, thông tin trên cơ sở tôn trọng các quyền công dân do hiến định có những quy định phù hợp hơn tạo điều kiện cho các nhà báo khi tác nghiệp như nếu không vi phạm các điều cấm như "xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân" thì nếu cá nhân không có ý kiến phản đối đương nhiên được sử dụng hình ảnh để phục vụ thông tin đầy đủ trong bài báo.
Trong dự thảo mới, quy định "Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý" là không sát thực tế, do trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội thông tin điện tử, việc sử dụng hình ảnh con người là không thể thiếu và là yêu cầu đặc thù của sự việc đòi hỏi phải có, là xu thế chung và phổ biến trong cả nước cũng như trên thế giới.
Do vậy, bộ luật cần quy định cụ thể hơn theo hướng tạo ra nguyên tắc nếu sử dụng hình ảnh của người khác nhằm mục đích thu lợi nhuận phải được người đó đồng ý và trả tiền thù lao theo hợp đồng. Còn trong trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác nhằm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì cần được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cần lưu ý pháp luật một số nước cũng đưa ra các hạn chế đối với việc sử dụng hình ảnh của một số đối tượng yếu thế lên các phương tiện thông tin đại chúng nếu không được người đó hoặc người bảo hộ của người đó đồng ý như đối với người khuyết tật, trẻ em, người mất năng lực hành vi...
Quy định theo hướng như đã nêu sẽ vừa đảm bảo quyền lợi vật chất cho người có hình ảnh, vừa tạo điều kiện cho các chủ thể khác sử dụng hình ảnh của người khác một cách thuận lợi mà không vi phạm đến quyền về hình ảnh của cá nhân người khác, là ý kiến của Bộ TT&TT.
Làm rõ những trường hợp được bóc mở, kiểm soát
Về quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi đã nâng lên thành "bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ" so với "được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ" của bộ luật Dân sự 2005.
Nhưng theo Bộ TT&TT, quy định này chưa cụ thể hóa được quy định của Hiến pháp, nội dung còn sơ sài, đặc biệt chưa làm rõ các trường hợp được phép sử dụng thông tin, tư liệu liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phục vụ cho mục đích công; các trường hợp bóc mở, kiểm soát, thu giữ điện tín, điện thoại, các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác cũng chưa được làm rõ.
Bộ TT&TT cho rằng nên giữ như hiện hành, trong đó có cả việc thu thập, sử dụng thông tin "trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý".
Chung Hoàng