Nằm ở phố cổ nên những căn hộ trong các khu tập thể cũ rất có giá trị, thậm chí, mỗi m2 được bán tới hơn 500 triệu đồng.

Giá nhà đất Hà Nội thường xuyên lọt vào danh sách đắt đỏ nhất thế giới. Trong đó, đất ven Hồ Tây và đất phố cổ không có “đối thủ” về độ cao ngất ngưởng. Nếu đất nền Hồ Tây có giá vài trăm triệu 1m2 thì giá đất nền phố cổ có nơi lên tới 1 tỷ đồng/m2 (như ở Hàng Bài).

Những người quan tâm tới địa ốc đã “thuộc lòng” mức độ đắt đỏ này của nhà đất phố cổ nên không ai ngạc nhiên khi 1 căn nhà mặt phố Hàng Bài rộng 50m2 được bán với giá 45 tỷ đồng nhưng không ít người bất ngờ khi biết 1 căn hộ trong khu tập thể cũ lại có giá gần 600 triệu đồng/m2.

Bác Hiền, chủ sở hữu của 1 căn hộ tầng một trong khu khu tập thể nằm trên mặt phố Hàng Bông tiết lộ bác đã bán đất động sản này hồi tháng 12/2015. Điều đáng nói, căn hộ chỉ rộng 12m2 nhưng được bán với giá 7 tỷ đồng. Như vậy, mỗi m2 đất tại đây có giá hơn 583 triệu đồng.

{keywords}

Căn hộ tập thể cũ ở mặt phố Hàng Bông có giá gần 600 triệu/m2.

"Tôi rất ngạc nhiên khi người mua trả tới 7 tỷ đồng. Tôi còn nhắc nhở họ trần nhà không đủ cao để cơi nới gác xép, hoặc nếu có làm gác xép thì rất chật chội và bí bách nhưng họ cứ khăng khăng đòi mua. Tôi không muốn đòi hơn mà bán ngay lập tức. Họ đang sửa sang, hình như định kinh doanh”, bác Hiền thật thà kể chuyện.

Không chỉ căn hộ tầng 1 có giá cao ngất ngưởng, các căn hộ tầng cao hơn cũng được săn mua.

Anh Tuấn, chủ một căn hộ tầng 3 của khu tập thể cũ nằm trên mặt đường Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cách khu nhà bác Hiền không xa chia sẻ anh mới bán bất động sản của mình với giá 2,95 tỷ đồng.

Căn hộ của anh Tuấn rộng 45m2, trong đó chỉ 24,5m2 có sổ đỏ. Căn hộ đó có thêm 35m2 sân. Như vậy, nếu chỉ tính theo sổ đỏ, mỗi m2 có giá hơn 120 triệu đồng, đắt hơn giá penhouse trong các chung cư cao cấp hiện nay. Điều đáng nói, một căn hộ tương tự ở ngoại thành chỉ được rao bán từ 800 triệu tới 1,2 tỷ đồng.

Giải mã sức nóng nhà đất phố cổ

Anh Nguyễn Thành Quân, môi giới bất động sản làm việc cho một văn phòng nhà đất ở quận Hoàn Kiếm đã lý giải sức nóng của nhà đất phố cổ. Theo anh Quân, từ cả hàng trăm năm nay, phố cổ luôn được coi là nơi phồn hoa, đô thị, nơi rất thuận lợi để giao thương. Bên cạnh đó, phố cổ nằm sát Hồ Gươm – “linh hồn” của Hà Nội nên trong bất cứ sự kiện gì, người dân Hà Nội đều hướng tới Hồ Gươm.

“Đội tuyển Việt Nam thắng một trận bóng đá, người dân có hướng tới Mỹ Đình nhưng Hồ Gươm vẫn là địa điểm không thể không đến. Đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, Hồ Gươm vẫn là điểm đến lý tưởng để người dân chia sẻ cảm xúc. Mà đến Hồ Gươm nghĩa là đến phố cổ. Vì thế, phố cổ không chỉ là nơi dễ kinh doanh buôn bán mà là nơi hội tụ tinh hoa đất trời và con người Hà Nội”, anh Quân lý giải.

Bên cạnh đó, dù đất chật người đông nhưng khu vực phố cổ có đầy đủ mọi tiện ích như điện, đường, trường, trạm. Ví dụ, người dân ở khu Hàng Bông chỉ cần đi bộ 5 phút có thể ra Hồ Gươm, tới bệnh viện Việt Đức hay tới trường Trần Phú.

Phân tích sâu hơn về giá các khu tập thể cũ ở Hàng Bông, anh Quân cho biết, nghe qua giá căn hộ của bác Hiền có vẻ cao vì anh vừa bán 1 căn nhà rộng 100m2 với giá 35 tỷ đồng (350 triệu đồng/m2). Cần phải phân biệt bất động sản của bác Hiền là căn hộ nằm trong khu tập thể cũ, còn căn nhà anh vừa bán là đất nền. Điều đó càng khiến nhiều người tin rằng bác Hiền bán nhà quá đắt.

“Điều đó có vẻ vô lý nhưng thực tế lại hợp lý vì nhiều căn nhà mặt phố khá rộng, không nhiều người có sẵn vài chục tỷ để mua cả trăm mét vuông. Trong khi đó, có người chỉ cần hơn chục mét vuông để kinh doanh. Với vài tỷ không khó để xoay xở nên họ sẵn sàng trả giá cao cho 1 căn hộ diện tích nhỏ. Ở phố cổ, nhà nhỏ được quan tâm hơn nhà rộng”, anh Quân phân tích.

“Còn với những căn hộ trên tầng cao hơn, giá 3 tỷ đồng không hề đắt đỏ. Có người nói với tôi rằng với 3 tỷ đồng, họ chọn mua 1 căn hộ trong chung cư cao cấp rộng rãi, đầy đủ tiện nghi hơn là vào phố cổ chật hẹp, thiếu thốn. Điều đó không sai nhưng cần phải biết nhiều người chọn mua căn hộ tập thể cũ ở phố cổ vì 2 lý do: Thứ nhất, giá đất nền quá cao họ không thể mua được. TThứ hai, họ chọn nơi đây không chỉ vì tiện ích mà họ còn ‘mua’ không gian, linh khí trời đất", anh Quân cho biết thêm.

Theo anh Quân, có một yếu tố nữa khiến nhà đất phố cổ luôn cao ngất ngưởng chính là khan hiếm. Đa phần người dân dù thiếu thốn đến đâu, họ cũng không muốn rời phố cổ. Vì vậy, trong khi nhu cầu tăng đều đặn, cung bất động sản rất ít nên giao dịch thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ngoài ra, còn một vấn đề tế nhị đó là WC. Ở trong các khu tập thể cũ, đa số các gia đình phải đi vệ sinh chung ở tầng 1. Vì vậy, một số gia đình “cơi nới” được WC nên căn hộ của họ lại có giá hơn một chút.

(Theo VTC)