Lời tòa soạn: Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Báo VietNamNet mở mục “Đóng góp ý tưởng Chuyển đổi số”, góp phần lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những bài học hay, các nhân vật tiêu biểu và những câu chuyện cả thành công và chưa thành công của các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp cũng như người dân trong hành trình chuyển đổi hoạt động lên môi trường số.

VietNamNet xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy, Giảng viên cấp cao ngành Tài chính, sáng lập viên Trung tâm Fintech-Crypto RMIT, Đại học RMIT Việt Nam đề xuất phương hướng thúc đẩy phát triển lĩnh vực Fintech tại Việt Nam:

Theo số liệu thống kê được Statista công bố năm ngoái, số lượng các công ty Fintech tại Việt Nam đã tăng gần năm lần từ 39 công ty vào năm 2015 lên 188 công ty vào tháng 9/2021. Mặc dù đã tăng trưởng theo cấp số nhân, song lĩnh vực Fintech Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn tương đối sơ khai. Việt Nam chưa bắt kịp các nước ASEAN-6 như Malaysia, Philippines hay Thái Lan, và vẫn còn khoảng cách khá xa để sánh vai được với các thị trường công nghệ “khổng lồ” như Singapore hay Indonesia.

Ví điện tử và thanh toán kỹ thuật số hiện là phân khúc dẫn đầu, chiếm khoảng 1/3 thị trường Fintech Việt Nam, theo thống kê của Fintech News Singapore. Việt Nam cũng đứng thứ 3 trong khối ASEAN-6 về số lượng người dùng thanh toán kỹ thuật số, với khoảng 59% dân số Việt Nam tiếp xúc với dịch vụ này, chỉ sau Singapore và Indonesia, theo nghiên cứu của Statista. Thành quả này có được là nhờ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Chính phủ điện tử và tài chính toàn diện.

Tuy nhiên, tổng giá trị giao dịch của lĩnh vực này tại Việt Nam chỉ cao hơn Malaysia (Malaysia dự kiến sẽ vượt Việt Nam trong 5 năm tới) và thua khá xa Philippines và Thái Lan. Mặc dù gần 60% dân số Việt Nam đã tiếp xúc với thanh toán kỹ thuật số nhưng giá trị giao dịch của lĩnh vực này hiện còn tương đối thấp, đồng nghĩa với việc giá trị giao dịch bình quân trên mỗi người dùng cũng thấp. Xu hướng tương tự cũng đang xảy ra trong những lĩnh vực khác như tài sản kỹ thuật số, đầu tư kỹ thuật số, ngân hàng thế hệ mới và tài chính thay thế.

Một điểm đáng lưu ý ở đây là, theo số liệu mới của Statista, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ở Việt Nam (73,6%) thấp nhất trong các nước ASEAN-6, cho thấy dư địa tăng trưởng còn rất nhiều. Hơn nữa, Việt Nam đang thuộc top dẫn đầu thế giới về mức độ chấp nhận tiền mã hóa và lĩnh vực công nghệ chuỗi khối - blockchain Việt Nam đang thu hút rất nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, thị trường tiền mã hóa và blockchain phải đối mặt với một số rào cản như nạn lừa đảo và thiếu quy định bảo vệ nhà đầu tư, dẫn đến niềm tin của nhà đầu tư suy giảm. Tôi cho rằng, môi trường chưa thực sự được kiểm soát hiện tại khó có thể khuyến khích các công ty trong lĩnh vực này thành lập trụ sở chính tại Việt Nam. Và thay vào đó, họ sẽ đặt trụ sở tại các quốc gia cung cấp nhiều ưu đãi hơn như Singapore hoặc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Ngoài ra, Việt Nam cũng đang bỏ lỡ một khoản thu thuế vô cùng lớn từ các hoạt động mua bán tiền mã hóa.

Rõ ràng là, mặc dù hoạt động khá tích cực, thị trường Fintech Việt Nam vẫn đang thiếu khung pháp lý phù hợp và cần nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển của thị trường này hơn nữa trong thời gian tới.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề xuất sáng kiến thiết lập khuôn khổ pháp lý và cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát - Sandbox cho lĩnh vực Fintech từ năm 2017, nhưng đến nay kế hoạch này chưa được hiện thực hóa.

Do đó, một nhiệm vụ cấp bách hiện nay đối với Chính phủ là cần nhanh chóng ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm Fintech. Cơ chế này cần cung cấp hướng dẫn rõ ràng cho hoạt động Fintech tại Việt Nam cũng như khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh, vận hành tại Việt Nam. Nếu không có cơ chế này sớm (chậm nhất là giữa năm 2023), Việt Nam rất có thể sẽ vuột mất cơ hội trở thành Trung tâm Fintech - Blockchain hàng đầu trong bối cảnh các quốc gia khác đang đẩy mạnh cạnh tranh.

Thứ hai, Chính phủ cần đảm bảo rằng Việt Nam có cơ sở hạ tầng CNTT và truyền thông phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp Fintech.

Và cuối cùng, giáo dục về công nghệ và tài chính - Fintech sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam, cung cấp kiến thức để tránh lừa đảo hoặc các mối đe dọa khác có thể xảy ra trong không gian Fintech - Blockchain cũng như nền kinh tế kỹ thuật số. Do vậy, chúng ta cần đầu tư để đảm bảo đầy đủ thiết bị, tài liệu đào tạo và nguồn nhân lực thiết yếu không chỉ cho các trường phổ thông và đại học mà còn cho công chúng trong thập kỷ tới.

Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy, Giảng viên cấp cao ngành Tài chính, sáng lập viên của Trung tâm Fintech-Crypto RMIT, Đại học RMIT Việt Nam.

Báo VietNamNet trân trọng cảm ơn và mời độc giả tiếp tục tham gia viết bài chia sẻ kinh nghiệm, kể những câu chuyện, sáng kiến cho chuyển đổi số quốc gia. Các bài viết vui lòng gửi về địa chỉ: banictnews@vietnamnet.vn.