1.jpg
Ảnh:minh họa

Theo ông Lê Tấn Lực (BĐ Phú Yên), điểm BĐVHX Vinh Thọ 2 là một trong những điểm BĐVHX online của BĐ Phú Yên. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ bưu chính, các điểm BĐVHX này còn cung cấp thêm dịch vụ bán hàng online như bán vé xe khách cho nhà xe Thuận Thảo, các dịch vụ M-net...

Theo bà Phạm Thị Kim Thanh, Giám đốc BĐ thị xã Sông Cầu (Phú Yên), do nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet của người dân rất lớn nên BĐ thị xã đã xin phép cơi nới diện tích BĐVHX Vinh Thọ 2 từ 40m2 lên 70m2 để đặt thêm 10 máy tính chuyển từ nơi có doanh thu thấp về, nâng tổng số máy tính tại đây lên 27 chiếc. Từ đó, doanh thu từ dịch vụ Internet đã chiếm tới 90% tổng doanh thu của BĐVHX Vinh Thọ 2. Doanh thu bình quân từ các dịch vụ chung của BĐVHX Vinh Thọ 2 là 12 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân của nhân viên như Hiền là 1,1 triệu đồng/tháng, gần gấp 3 lần mức lương tối thiểu quy định chung cho các điểm BĐVHX.

So với toàn quốc, các điểm BĐVHX có doanh thu cao như Vinh Thọ 2 chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ví dụ như BĐ Bình Định hiện có 118 điểm BĐVHX nhưng chỉ có 7 điểm (6%) có doanh thu trên 1 triệu đồng và những điểm BĐVHX thuộc các xã miền núi hầu như không có doanh thu.

Theo quy định chung của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VnPost) áp dụng trên toàn quốc, điểm BĐVHX hoạt động theo phương thức đại lý bưu điện đặc biệt. Theo đó, nhân viên điểm BĐVHX được hưởng thu nhập từ hoa hồng theo doanh thu các dịch vụ BCVT (10% trên doanh thu) và từ các mức thuê khoán khác nếu có. Nếu điểm nào có doanh thu thấp (từ 0 đồng đến 4 triệu đồng/tháng) thì BĐ tỉnh phải bù đắp, bảo đảm cho nhân viên có mức thu nhập từ 400.000 đồng trở lên. Tuy nhiên, hiện hầu hết các điểm BĐVHX đều có doanh thu thấp, dẫn đến thu nhập của nhân viên thấp, không đủ trang trải cuộc sống và đã có rất nhiều nhân viên điểm BĐVHX xin nghỉ việc.

Ông Nguyễn Văn Kiều, Giám đốc BĐ Bình Định cho biết, để giữ chân nhân viên điểm BĐVHX, các BĐ huyện phải tìm cách thuyết phục, động viên và tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho họ bằng cách giao thêm hóa đơn thu cước điện thoại, bán bảo hiểm, phát triển máy điện thoại… Tuy nhiên, một bất cập nữa vẫn đang tồn tại là theo quy định, các điểm BĐVHX không có doanh thu, nhân viên được hưởng mức lương tối thiểu là 400.000 đồng, trong khi đó một số điểm nhân viên BĐVHX rất nỗ lực thu cước điện thoại, phát triển máy, bán bảo hiểm nhưng nếu doanh thu không vượt mức 4 triệu đồng/tháng thì cũng chỉ được hưởng 400.000 đồng như những nhân viên khác.

Thực tế, tỷ lệ điểm đạt doanh thu trên 4 triệu cũng rất ít, do đó dù cố gắng thì những giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho nhân viên BĐVHX của các BĐ tỉnh cũng chưa đem lại được bao nhiêu hiệu quả. Hiện các BĐ tỉnh đang tập trung đầu tư, phát triển những điểm BĐVHX có doanh thu, nhưng đối với những điểm doanh thu thấp hoặc không có doanh thu thì vẫn đang hoạt động cầm chừng. Một số điểm đã xuống cấp trầm trọng buộc phải đóng cửa.

Thiết nghĩ, VnPost cần sớm nghiên cứu quy hoạch lại hệ thống điểm BĐVHX để có điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư các điểm có hiệu quả. Đối với các điểm có doanh thu thấp thì cần phải nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ công ích.   

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 150 ra ngày 16/12/2009