Chủ đầu tư “cố đấm ăn xôi”

Năm 2019 được xem là một năm đầy khó khăn của thị trường BĐS TP.HCM. Theo đánh giá của các chuyên gia, những vướng mắc về thủ tục pháp lý là nguyên nhân chính khiến nguồn cung sản phẩm nhà ở mới bị sụt giảm.

Điều này dẫn đến một số chủ đầu tư, dù chỉ bước đầu đáp ứng được các thủ tục pháp lý cơ bản đã vô tư “thổi” giá, đưa dự án vào kinh doanh. Điển hình như dự án Paris Hoàng Kim (quận 2) do Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Nhà Khởi Thành (Công ty Khởi Thành) làm chủ đầu tư.

Trong vai khách hàng, phóng viên được V., nhân viên của Công ty TNHH Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn (đơn vị phân phối dự án Paris Hoàng Kim) cho hay: dự án có 2 block nhưng hầu hết các căn hộ block B đã bán hết sạch. Ngày 4/1/2020 công ty đã tổ chức mở bán tiếp các căn hộ đẹp nhất ở block A của dự án.

“Khách mua sẽ phải xuống cọc 100 triệu đồng/căn, giá bán từ 70 – 75 triệu đồng/m2 tuỳ hướng và độ cao. Sau 7 – 10 ngày khách phải đóng tiếp 10% giá trị căn hộ và dự kiến 6 tháng sau sẽ ký hợp đồng mua bán, khi đó phải thanh toán 15% giá trị căn hộ”, V. nói.

{keywords}
Chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh nhưng dự án Paris Hoàng Kim đã bán nhiều đợt. 

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, dự án Paris Hoàng Kim đang thi công phần móng, đến nay dự án vẫn chưa có trong danh sách các dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai của Sở Xây dựng TP.HCM. Tuy vậy, Công ty Khởi Thành đã đưa dự án này vào kinh doanh với nhiều đợt bán hàng.

Liên quan đến quá trình thi công dự án Paris Hoàng Kim, cuối tháng 11/2019 Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp cùng UBND phường Bình Khánh, quận 2 kiểm tra hiện trạng, phát hiện công trình xây dựng có sự sai khác so với giấy phép xây dựng được cấp.

{keywords}
Cơ quan chức năng phát hiện Công ty Khởi Thành xây dựng sai phép tại dự án Paris Hoàng Kim.

Tương tự, một dự án khác có công trình vi phạm trật tự xây dựng tại quận 12 là Picity High Park do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Gia Cư (Công ty Gia Cư) làm chủ đầu tư. UBND quận 12 từng ra quyết định xử phạt hành chính, buộc chủ đầu tư tháo dỡ phần công trình xây dựng không phép có diện tích hơn 1.200m2.

Việc có tháo dỡ công trình vi phạm tại dự án này hay không, đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng thống nhất. Thế nhưng, Tập đoàn Pi Group, đơn vị phát triển dự án Picity High Park, đã rầm rộ chào bán các căn hộ và shophouse tại dự án.

{keywords}
Nhà mẫu dự án Picity High Park

Theo H., nhân viên bán hàng của Tập đoàn Pi Group, công ty nhận giữ chỗ số tiền 50 triệu đồng/căn đối với khách hàng có nhu cầu mua căn hộ và 100 triệu đồng với những căn shophouse. Vừa qua công ty đã bán được khoảng 400 – 500 căn hộ, còn shophouse chỉ bán một số căn suất ngoại giao.

Trao đổi với VietNamNet, bà Dương (đại diện truyền thông Công ty Gia Cư) cho hay, dự án Picity High Park đến nay đã được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư và công nhận chủ đầu tư. Hiện tại công ty đang khẩn trương thực hiện hoàn tất công tác xin giấy phép xây dựng toàn dự án.

Hàng loạt dự án đất nền bán "lụi"  

Bên cạnh phân khúc căn hộ chung cư, thị trường đất nền khu vực lân cận TP.HCM thời gian gần đây có tình trạng ngày càng nhiều khách hàng cầu cứu cơ quan chức năng vì gặp phải chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo.

Đơn cử như tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng BĐS Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh) làm chủ đầu tư. Đầu tháng 11/2019, nhiều khách hàng mua đất nền dự án Hưng Thịnh Cát Tường đã kéo đến Tỉnh uỷ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cầu cứu. 

Các khách hàng cho biết, họ ký hợp đồng mua đất với Công ty Hưng Thịnh từ năm 2017, đã thanh toán nhiều đợt và thậm chí gần đủ tiền giá trị hợp đồng nhưng đến nay không được giao đất, chủ đầu tư cũng không hoàn lại tiền.

{keywords}
Khách hàng mua đất của Công ty Hưng Thịnh cầu cứu cơ quan chức năng. 

Theo đại diện Sở Xây dựng Long An, dự án Hưng Thịnh Cát Tường có quy mô chỉ 9,4ha, được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 với 14 khu. Tuy nhiên, Công ty Hưng Thịnh mở bán, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giai đoạn 2 với quy mô 27ha nằm ngoài quy hoạch là không đúng quy định.

Một dự án khác khiến nhiều hộ dân địa phương lẫn khách hàng bức xúc là dự án Khu dân cư Đất Xanh Long An do Công ty TNHH MTV Đất Xanh Long An (Công ty Đất Xanh Long An) làm chủ đầu tư.

Người dân địa phương tố chủ đầu tư này ngang nhiên chiếm đất, tự ý san lấp, làm đường trên 3.000m2 đất đã cấp sổ cho dân để phân lô bán nền. Trong khi đó, những khách hàng mua đất nền tại dự án Khu dân cư Đất Xanh Long An đến nay vẫn chưa được Công ty Đất Xanh Long An giao đất.

Cuối tháng 12/2019, hơn 1.200 nền đất của dự án Khu đô thị Vietuc Varea (xã Lương Hoà, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cũng được Công ty TNHH Đầu tư phát triển Thịnh Hưng Holdings giới thiệu ra thị trường.

Theo một nhân viên bán hàng ở dự án này, khách có nhu cầu mua thì chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng nguyên tắc đặt cọc với số tiền 30% giá trị hợp đồng, giá bán dao động từ 1,2  - 3 tỷ đồng/nền, nếu khách hàng không đóng tiền theo đúng tiến độ hợp đồng thì coi như… mất trắng, chủ đầu tư không hoàn lại tiền cọc.

{keywords}
Dự án Khu đô thị Vietuc Varea do Công ty TNHH Công thương nghiệp Thịnh Hưng làm chủ đầu tư. 

Tìm hiểu của PV VietNamNet, năm 2003 UBND tỉnh Long An cho Công ty TNHH Việt Úc thuê  210.482m2 đất tại xã Long Hoà, huyện Bến Lức để xây dựng trang trại trồng trọt và chăn gia súc, gia cầm. Sau đó, công ty này đã chuyển mục đích sử dụng 208.290m2 thành đất ở nông thôn để đầu tư hạ tầng khu dân cư, thời hạn sử dụng đất từ tháng 1/2011 đến tháng 11/2081.

Đến năm 2015, Công ty TNHH Việt Úc chuyển nhượng lại cho Công ty TNHH Công thương nghiệp Thịnh Hưng (Công ty Thịnh Hưng). Tháng 6/2019, Sở TN&MT Long An quyết định cho Công ty Thịnh Hưng chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền 1 lần sang giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với 113.835,5m2. Thời giạn giao đất vẫn không thay đổi. 

Được biết, hiện dự án Khu đô thị Vietuc Varea đã có quy hoạch chi tiết 1/500 và  giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, đến nay dự án này chưa được nghiệm thu hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật và vẫn chưa được Sở Xây dựng Long An xác nhận đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.  

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Công ty Luật DC Counsel) cho hay, đứng trước khó khăn về tài chính, nhiều chủ đầu tư đã “lách luật” bằng cách huy động vốn của khách hàng để thực hiện dự án. Điều này tiềm ẩn rủi ro khi chủ đầu tư sử dụng nguồn tiền sai mục đích, dẫn đến dự án bị đình trệ, thiệt hại sẽ thuộc phía khách hàng.  

Theo luật sư Chánh, Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 về điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh quy định, đối với dự án nhà chung cư thì chủ đầu tư phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xây dựng phần móng.

Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bàn thông báo và phải được cơ quan quản lý nhà ở xác nhận đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Với dự án đất nền thì chủ đầu tư phải có giấy tờ về nghiệm thu hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án.

Luật sư Chánh cho rằng, việc các chủ đầu tư huy động vốn của khách hàng dưới dạng thu tiền đặt cọc, giữ chỗ khi dự án chưa đủ điều kiện là không đúng quy định. Các doanh nghiệp hay viện cớ đây là quan hệ dân sự về đặt cọc là chưa đúng, bởi đây là hoạt động kinh doanh BĐS nên các bên phải chịu sự điều chỉnh của Luật Kinh doanh BĐS.

“Theo tôi đây là hành vi sai luật chứ không phải lách luật. Trước khi xuống tiền mua đất dưới bất kỳ hình thức nào, người dân cần tìm hiểu thật kỹ pháp lý dự án. Bởi nếu gặp phải chủ đầu tư làm ăn theo kiểu chụp giật, lừa dối thì người mua sẽ là bên chịu thiệt”, luật sư Chánh khuyến cáo.

Khách hàng căng băng rôn “tố” Công ty King Home Land vẽ dự án “ma” lừa đảo

Khách hàng căng băng rôn “tố” Công ty King Home Land vẽ dự án “ma” lừa đảo

 - Bức xúc trước việc Công ty King Home Land vẽ hàng loạt dự án “ma” lừa đảo, ngày 21/12/2019, hàng chục khách hàng đã tụ tập trước trụ sở Công an Quận Gò Vấp đề nghị xử lý ông Đặng Tiến Trường, Tổng Giám đốc công ty này.  

Phương Anh Linh