Một mẻ giá đỗ làm theo đúng quy trình sẽ mất từ 4-5 ngày còn giá ngâm thuốc kích thích chỉ mất từ 1-2 ngày. Do đó, người dân cần tỉnh táo để nhận biết thực phẩm sạch.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, giá đỗ rất tốt cho sức khỏe bởi trong quá trình nảy mầm hạt đỗ xanh, hàm lượng vitamin E, protein, đường, canxi, phốt pho, sắt, caroten, vitamin K, beta caroten, vitamin C, các vitamin nhóm B tăng cao, gia tăng sự tổng hợp enzym SOD là chất chống ôxy hóa mạnh nhất hiện nay. Ngoài ra, giá đỗ xanh còn làm tăng cơ hội thụ thai cho nam giới.

Tuy nhiên, hàng loạt vụ phát hiện giá đỗ được kích thích bằng thuốc tăng trưởng của Trung Quốc khiến nhiều người e ngại với thực phẩm này.

Về điều này, PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, mục đích của các chất kích thích này nhằm rút ngắn thời gian sản xuất giá đỗ xuống chỉ còn một nửa thời gian bình thường, đồng thời cho ra các mẻ giá có cọng trắng, mập, nhìn rất bắt mắt hơn.

Ông khẳng định, việc sử dụng thuốc tăng trưởng để thúc giá đỗ là hành vi rất nguy hiểm bởi qua kiểm nghiệm, các chuyên gia phát hiện thành phần trong các loại thuốc này thường bao gồm các chất p-chlorophenoxyacetic axit và 6-benzylaminopurine được hòa tan trong dung dịch Na2CO3.

Còn ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho rằng, việc người trồng rau phun thuốc lên rau để kích thích sinh trưởng là điều cho phép. Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật có thuốc điều hòa sinh trưởng, bao gồm thuốc kích thích sinh trưởng và hạn chế sinh trưởng. Người trồng giá vẫn có thể dùng để giá mọc nhanh hơn, nhưng vấn đề là phải dùng thuốc nằm trong danh mục cho phép với liều lượng đạt chuẩn và cách ly đủ thời gian quy định mới thu hoạch.

Tuy nhiên, hai hợp chất trên đều không nằm trong danh mục các thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng được phép sử dụng do Bộ NNPTNT. Chúng cũng không phải chất nằm trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm. Do đó, nếu ăn phải các sản phẩm có chất kích thích này thì sức khỏe của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có nguy cơ mắc các chứng bệnh nguy hiểm.

{keywords}

{keywords}

Dấu hiệu nhận biết giá sạch, giá có hóa chất. Ảnh: Kỹ thuật nuôi trồng

Cách chọn giá đỗ sạch

Vẫn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, một mẻ giá đỗ làm theo đúng quy trình sẽ mất từ 4-5 ngày còn giá ngậm thuốc kích thích chỉ mất từ 1-2 ngày. Vì vậy, giá ngậm thuốc có rất ít rễ. Bạn chỉ cần nhìn vào rễ của giá là có thể phân biệt được giá sạch hay không. Cụ thể, giá ngâm thuốc có thân dài, ít rễ hoặc không có rễ, màu trắng bắt mắt. Giá sạch có rất nhiều rễ, thân cong queo, không bóng, không to, không mập. Bạn nên chọn cọng giá có độ dài khoảng 2-3 cm.

Ngoài ra, chuyên gia khuyến cáo, giá đỗ có nguy cơ ngộ độc cao, bởi giá thường làm ở nhiệt độ 30- 35 độ C, đây là môi trường tốt cho vi sinh vật phát triển. Với thói quen hay ăn giá sống, nếu chưa rửa sạch, người dân sẽ nhiễm vi sinh vật. Vì vậy, khi dùng bạn nên nên chần qua nước sôi, rửa và ngâm nước sạch kèm theo chút muối.

(Theo Zing)