Việc triển khai thí điểm hệ thống quan trắc, cảnh báo ngập cho TP Cần Thơ sẽ giúp người dân có thể chủ động thay đổi kế hoạch đi lại, sinh hoạt, giảm thiểu thiệt hại do ngập gây ra. 

Theo đề xuất này, thời gian vận hành thí điểm là 6 tháng, kinh phí do VNPT Cần Thơ đảm bảo. Sau thời gian thí điểm sẽ đánh giá hiệu quả thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.

UBND TP giao Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối, phối hợp các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy và các đơn vị liên quan chủ động phối hợp với VNPT Cần Thơ triển khai thực hiện và đánh giá hiệu quả triển khai sau thời gian thí điểm.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, việc triển khai thí điểm hệ thống quan trắc, cảnh báo ngập cho TP nhằm tăng cường khả năng quan trắc và thông báo đến người dân trên địa bàn TP (tích hợp qua ứng dụng Cần Thơ Smart) tình hình mực nước các địa điểm có nguy cơ ngập cao để người dân có thể chủ động thay đổi kế hoạch đi lại, sinh hoạt, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại do ngập gây ra; đồng thời, qua đó, lãnh đạo TP, các ngành có thông tin, dữ liệu để chỉ đạo điều hành liên quan đến công tác chống ngập (qua tích hợp Trung tâm IOC TP).

Lãnh đạo VNPT Cần Thơ cho biết, hệ thống quan trắc bao gồm nhiều camera được lắp đặt ở những điểm ngập nặng trong trung tâm thành phố.

Hệ thống camera này có tính năng cảnh báo trên phần mềm (Cần Thơ Smart City) về tình trạng ngập ở khu vực đó, sẽ giúp cho người dân, ngành chức năng chủ động và có những giải pháp kịp thời.

Liên quan đến việc triều cường gây ngập đường phố, các chuyên gia từng đề xuất xây dựng mạng lưới cộng tác viên để kịp thời cảnh báo ngập lụt trên địa bàn Cần Thơ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), có ý kiến đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin để cảnh báo ngập lụt ở đô thị bằng cách dùng camera, bản đồ, máy bay không người lái để thông báo.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn cho biết, phương pháp này khá tốn kém mà hiệu quả mang lại không cao. Một giải pháp khả thi hơn là xây dựng mạng lưới cộng tác viên (tương tự hệ thống cảnh báo giao thông trên sóng phát thanh) để thông báo tại chỗ tình hình ngập úng.

Người dân có thể dùng các phương tiện phổ biến như nhắn tin qua các ứng dụng, sóng radio để cập nhật cụ thể vị trí họ đang đứng ngập sâu bao nhiêu thì sẽ chính xác hơn bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào.

Tiến sỹ Lê Anh Tuấn cho rằng khi có một mạng lưới những người cộng tác như vậy, việc cảnh báo ngập lụt sẽ hiệu quả hơn. Nếu áp dụng cách này, thành phố Cần Thơ sẽ có những số liệu tức thời để cập nhật vào bản đồ với mức độ chính xác rất cao.

Cần Thơ là một trong những tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề bởi triều cường cũng như tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian qua.

Những năm gần đây, các tuyến đường trung tâm thành phố Cần Thơ thường xuyên bị ngập nặng do mỗi khi triều cường. Mực nước cao nhất từng được ghi nhận là 2,27m, xuất hiện vào tối 12/10/2022, vượt báo động III là 0,27m.