Chị Kim Anh, một tiểu thương ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, cho biết do dịch bệnh nên cửa hàng của chị phải đóng cửa. Đang trong thời gian giãn cách, không còn tiền tích lũy, chị nhận được một cuộc điện thoại mời gói vay 40 triệu, thủ tục đơn giản, không phải chứng minh tài sản. Sau khi đã xong thủ tục, chị nhận được thông báo phải chuyển trước cho họ 4 triệu mới được giải ngân.
"Khi làm xong, tôi chờ thủ tục xác nhận được vay và họ cho biết tôi được vay 40 triệu. Khi vay, người ta nói tôi phải chịu 10% số tiền vay và chuyển khoản cho họ để họ hoàn tất hồ sơ và chuyển tiền", chị Kim Anh chia sẻ.
Do khó khăn, không thể vay ai được 4 triệu để chuyển trước cho bên cho vay, chị đã từ chối, nhưng ngay lập tức đã bị nhân viên đe dọa.
"Khi tôi nói tôi không có tiền, họ nói không có tiền thì phải có thế chấp. Tôi yêu cầu hủy hợp đồng, tôi không vay được vì không có tiền thế chấp. Họ nói không hủy được, bắt buộc phải làm, hàng tháng họ sẽ trừ tiền trong tài khoản của tôi, hai là gọi điện cho người thân và đưa ảnh của tôi lên mạng xã hội", chị Kim Anh chia sẻ thêm.
Lợi dụng khó khăn do dịch bệnh, hình thức cho vay không thế chấp phát triển mạnh.
Hiện nay có rất nhiều trang mạng, các app quảng cáo cho vay tiền online theo kiểu như trên. Nhiều người dân khi tham gia đã bị mắc lừa nhóm đối tượng này, như bị bắt trả phí phê duyệt hồ sơ cao, cắt % khoản vay. Khi người tham gia đóng tiền xong thì bị lừa không liên lạc được, hoặc nếu thành công thì vay với mức lãi suất rất cao. Không chỉ vậy, các đối tượng này còn sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để gây áp lực cho con nợ của mình.
"Đây là những hành vi mang tính chất lừa đảo. Khi người dân bị lừa chuyển tiền trước, nếu không liên lạc được thì tổng hợp lại các bằng chứng để gửi cơ quan công an, hỗ trợ cơ quan công an thu thập chứng cứ tìm ra thủ phạm", Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty luật SBLAW, cho hay.
Điều đáng nói, trong phần lớn các vụ việc tương tự như trên, mặc dù biết mình bị lừa, nhưng do khoản tiền mất không quá lớn, chỉ vài triệu đồng, hoặc sợ bị đối tượng cho vay trả thù nên không khai báo với cơ quan pháp luật. Vì vậy, những người có nhu cầu vay tiền cần cảnh giác với những chiếc bẫy vay nhanh, không cần thế chấp trên mạng để tránh thiệt hại và rắc rối sau này.
(Theo VTV)
Chuyện chưa từng có, ngân hàng rao bán khoản nợ chỉ vài trăm nghìn
Không chỉ rao bán các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo, có ngân hàng rao bán cả những khoản vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm với giá trị rất nhỏ, thậm chí có khoản vay chỉ 483.000 đồng gồm cả gốc và lãi, phạt.