Chúng ta đều biết căng thẳng (stress) gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe theo nhiều cách. Nhưng một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Thần kinh học tiết lộ stress còn có thể là nguyên nhân khiến não bộ bị teo nhỏ.

Được thực hiện tại Mỹ, nghiên cứu quan sát thấy những người trưởng thành trung niên có nồng độ cortisol cao thì có khối lượng não và chức năng nhận thức thấp hơn so với những người có nồng độ cortisol thấp.

Cortisol là hooc-môn tham gia vào một loạt các hoạt động bình thường của cơ thể, bao gồm cả quá trình trao đổi chất, miễn dịch và sự hình thành trí nhớ. Nhưng nồng độ cortisol cao thường là hệ quả của căng thẳng trong não bộ, hé lộ đó có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến não.

Căng thẳng có thể khiến não bộ của bạn teo nhỏ lại, ảnh hưởng lớn đến nửa sau cuộc đời

Mặc dù nghiên cứu không theo dõi những người tham gia đủ lâu để xem liệu họ có phát triển bệnh mất trí nhớ hay không, tiến sĩ Sudha Seshadri, giáo sư thần kinh tại UT Health San Antonio, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: Những tác động được ghi nhận cho tới lúc này có thể dẫn đến suy giảm nhận thức ở giai đoạn sau này trong cuộc đời họ.

"Trước đây, chúng ta đã chứng minh những thay đổi về độ lớn [não] này có thể dự đoán mức độ mất trí nhớ, thậm chí chấn thương mạch máu não, xảy ra ở hai hoặc ba thập kỷ sau đó", tiến sĩ Seshadri nói.

Nghiên cứu thu thập dữ liệu từ hơn 2.200 người trưởng thành tham gia vào dự án tim mạch Framingham, với độ tuổi trung bình là 48. Mỗi người trong số họ được yêu cầu làm một bài kiểm tra tâm lý, trí nhớ và kỹ năng tư duy từ 8 năm về trước. Sau đó gần đây, các nhà khoa học gọi lại cho họ và thực hiện các bài kiểm tra một lần nữa.

Mẫu máu của những tình nguyện viên này cũng được thu thập ở 2 thời điểm để đánh giá nồng độ cortisol. Đa phần các ứng viên cũng đã được chụp cộng hưởng từ MRI để đo khối lượng não.

Sau khi phân tích kết quả của những đánh giá này và tính toán thông tin nhân khẩu học, các nhà nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ giữa nồng độ cortisol và trọng lượng não thấp hơn, điểm số trong các bài kiểm tra cũng thấp hơn - mặc dù không có ai tham gia mắc chứng mất trí trong suốt thời gian đó.

Tiến sĩ Seshadri cho biết căng thẳng có thể là nguyên nhân đứng đằng sau những thay đổi đáng kể trong độ lớn của não và nhận thức này. Nồng độ cortisol cao ghi nhận từ các tình nguyện viên phù hợp với nồng độ mà đa số chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày.

"Thực tế, nồng độ cortisol cao có liên quan đến những thay đổi trong chức năng não ở giai đoạn sớm của cuộc đời, cả hai đều là những dấu hiệu đáng báo động và tiềm ẩn những nguy cơ sức khỏe", tiến sĩ Seshadri nói.

Một số cách để giảm căng thẳng bao gồm thiền, tập thể dục, yoga, ngủ đủ giấc và duy trì một đời sống xã hội lành mạnh.

Về mặt hạn chế, nghiên cứu này không đo nồng độ cortisol của người tham gia liên tục trong suốt thời gian theo dõi, nên không thể đánh giá những thay đổi đột biến nếu có. Hơn nữa, tất cả những người tham gia đều là người Mỹ da trắng sống gần nhau, gợi ý rằng nó chưa thể đại diện cho toàn bộ dân số.

Tuy nhiên, tiến sĩ Seshadri khuyên rằng đề phòng vẫn là cần thiết và có ích. Bạn nên thư giãn để giảm stress, từ đó làm giảm nồng độ cortisol. Một số cách để giảm căng thẳng bao gồm thiền, tập thể dục, yoga, ngủ đủ giấc và duy trì một đời sống xã hội lành mạnh.

Giảm căng thẳng không chỉ giúp bạn có chất lượng cuộc sống tốt hơn ngay ở hiện tại, mà còn giúp phòng ngừa suy giảm nhận thức và chứng mất trí, những căn bệnh có thể ảnh hưởng đến bạn vào nửa sau của cuộc đời.

Theo GenK