Ngày 21/10, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (VCCA) thuộc Bộ Công Thương đã phát thông tin cảnh báo về hình thức lừa đảo người dùng xem video, đọc báo tin tức để kiếm tiền qua mạng.
Đơn vị này cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, do giãn cách xã hội nên người dân ở nhà có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn và tìm đến những kênh giải trí, mạng xã hội đặc biệt là YouTube.
Dựa trên nhu cầu có thật về việc tăng lượt xem (view), lượt theo dõi (follow) các video nhằm mục đích quảng cáo hoặc tăng độ đánh giá (rating) của kênh YouTube, một số đối tượng lừa đảo đã nhắm đến những người tiêu dùng có thời gian rảnh rỗi và muốn kiếm thêm thu nhập trong bối cảnh dịch bệnh kinh tế khó khăn để lừa đảo chiếm đoạt thời gian, tiền bạc của họ.
Với nội dung đăng cam kết xem 10 giây, được 50 đồng; mỗi ngày được cung cấp 10 video để xem. Muốn sở hữu 1 tài khoản trên trang web được đối tượng lừa đảo lập ra, người tiêu dùng phải chuyển 250.000 đồng để kích hoạt.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay, chị L là một trong những trường hợp đã làm theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo, thực hiện chuyển tiền vào tài khoản mang tên Nguyễn Văn A và đăng nhập thành công.
Theo chia sẻ của chị L, thực hiện xem video, tin tức trên website videokiemtien.com vài ngày thì trang web chị đã đăng ký bị khóa, hoặc mở lại nhưng không thể rút được tiền. Chị L đã liên lạc với số điện thoại của quản trị viên website song thuê bao trong tình trạng “không liên lạc được”.
Tương tự, anh T.T.P cũng nộp 250.000 đồng vào tài khoản ngân hàng mang tên Nguyễn Văn A để “xem video kiếm tiền qua mạng”, tại website videokiemtien.com. Sau khi đăng ký và tăng lượt xem nhiều ngày thì website bị khóa, hoặc mở lại nhưng không rút được tiền trong thời gian đó.
Để tránh bị lừa đảo, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng không nên tham gia những chương trình xem video kiếm tiền qua mạng (Ảnh: vcca.gov.vn) |
Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: Các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý của người dùng khi yêu cầu số tiền nạp vào tài khoản ít, chỉ 250.000 đồng. Vì thế, nhiều người đã chủ quan, nghĩ rằng nếu có bị lừa cũng không mất quá nhiều. “Dù số tiền ban đầu nạp vào không nhiều, tuy nhiên với hàng ngàn người tham gia, đối tượng lừa đảo có thể thu về hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận xét.
Để tình trạng trên không tiếp tục diễn ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến nghị người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác với các hình thức mời chào tham gia kiếm tiền qua mạng; không nên chuyển tiền cho các đối tượng không có thông tin rõ ràng, không được cơ quan nhà nước chứng nhận. Đồng thời, nhằm tránh bị lừa đảo, người tiêu dùng cũng không nên tham gia các chương trình xem video kiếm tiền qua mạng.
Thống kê của Cục An toàn thông tin cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam được ghi nhận là 6.156 cuộc, tăng 30,15% so với cùng kỳ 9 tháng đầu năm ngoái. Trong đó, số cuộc tấn công lừa đảo (Phishing) là 1.404 cuộc, chiếm hơn 22,8%. Cùng với việc khuyến nghị mọi người nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo, các chuyên gia NCSC cũng đề nghị, người dùng gửi đường link lừa đảo hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn.
Vân Anh
Xuất hiện thủ đoạn mới lừa đảo đóng tiền điện qua ví điện tử ECOBE
Có tình trạng tổ chức, cá nhân thu tiền điện của khách hàng qua ví điện tử ECOBE nhưng không ghi nhận trên cổng thanh toán của công ty điện lực.