Nhiều loại cồn y tế độc hại được làm từ cồn công nghiệp, chưa qua sự kiểm định của nhà nước, được bán tràn lan trên khắp các hiệu thuốc.

Cồn y tế được làm bằng chất cực độc

Nhà thuốc đang bán cồn y tế độc hại cho người dùng (Nguồn: VTV)

Theo quy định, cồn bán ở các hiệu thuốc phải là cồn y tế, nghĩa là phải được đăng ký hoặc công bố chất lượng và phải là ethanol 70%, 90%... Cồn y tế chỉ được phép không quá 0,02% methanol, các thành phần không được quá 0,03%, ngoài ra còn nhiều yêu cầu chất lượng khắt khe khác.

Song hiện nay, các loại cồn y tế không đúng quy định được bán tràn lan trên thị trường, trong các nhà thuốc,... Trong đó, nhiều loại chứa hàm lượng methanol rất cao, có những sản phẩm hoàn toàn là methanol, không phải ethanol. Rất nhiều sản phẩm cồn y tế trong các hiệu thuốc hiện nay không phải là ethanol 70% hoặc 90% (cồn 70 độ hoặc 90 độ)... mà thành phần chủ yếu là methanol.

Theo các chuyên gia hóa học, methanol được xem là một loại “tạp chất” cực độc. Nếu hít phải, dính vào da hoặc uống nhầm methanol, người ngộ độc sẽ có các biểu hiện đau đầu, mệt, buồn nôn, nôn, giảm thị lực, nặng hơn sẽ bị mù, co giật, giãn đồng tử, suy sụp tuần hoàn, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

{keywords}
Nhiều nhà thuốc vẫn bán các loại cồn y tế không đúng quy định như không có đăng ký hoặc công bố chất lượng (Ảnh minh họa).

Nhưng so với ethanol, giá cồn methanol rẻ hơn nhiều, chỉ bằng 1/3. Do đó, nhiều đơn vị sản xuất cồn y tế vì lợi nhuận đã sử dụng cồn công nghiệp methanol để pha trộn vào mà vẫn ghi mác là cồn sát trùng ethanol khiến người sử dụng không thể biết được.

Thực tế, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều loại cồn y tế không đúng quy định như không có đăng ký hoặc công bố chất lượng, được phân phối với giá rất rẻ bởi những doanh nghiệp tư nhân chưa qua sự kiểm định của nhà nước.

Cẩn trọng khi sử dụng cồn y tế

Nguy cơ nhiễm trùng từ cồn y tế độc hại (Nguồn: VTV)

Cồn y tế được sử dụng chủ yếu để sát trùng vết thương, tiệt trùng dụng cụ y tế hoặc làm dung môi để cọ rửa. Tuy nhiên, cồn y tế độc hại được làm từ cồn công nghiệp, không những không có khả năng sát trùng vết thương mà còn làm tăng khả năng nhiễm trùng của bệnh nhân...

Đặc biệt, hiện nay, nhiều người có thói quen pha cồn ethanol thành rượu để uống do giá thành rẻ. Việc ngoài vỏ chai ghi là cồn thực phẩm, nhưng trong ruột lại chứa cồn công nghiệp độc hại là hành vi gian lận nguy hiểm. Nếu mua phải những chai cồn chứa methanol về uống, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chỉ trong 1 tháng đầu năm 2018 đã có 12 ca ngộ độc do dùng rượu có cồn công nghiệp methanol phải vào cấp cứu tại khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong đó có 4 ca đã tử vong.

Các nghiên cứu cho thấy, methanol bình thường ở ngưỡng 20 mg/dl đã đe doạ tổn thương thần kinh, trên 40 mg/dl là ngộ độc nặng cho người dùng. Còn theo quy chuẩn, nồng độ methanol trong cồn 100 độ cho phép 300 mg/lít. Nếu pha 1 lít cồn công nghiệp thành 3 lít rượu có nồng độ 33% thì hàm lượng methanol trong rượu là 100 mg/lít rượu. Vì vậy, nếu sử dụng cồn công nghiệp để pha rượu sẽ rất nguy hiểm, gây ngộ độc, thậm chí tử vong cho người sử dụng.

Các chuyên gia khuyến cáo, chỉ nên mua và sử dụng các loại cồn y tế là sản phẩm của các công ty y tế; có số đăng ký hoặc công bố trên nhãn mác. Cụ thể, khi mua cồn sát trùng, người mua nên đọc kỹ các nội dung trên nhãn sản phẩm như: Đơn vị sản xuất, số đăng ký sản phẩm, số công bố sản phẩm, hạn dùng,...

Người dân cũng không nên pha cồn thành rượu uống, cho dù đó là cồn thực phẩm. Bằng mắt thường, người dân không thể phân biệt rõ đâu là cồn thực phẩm ethanol, đâu là cồn công nghiệp methanol. Nếu mua nhầm phải cồn methanol trá hình ethanol, sau đó pha thành rượu uống sẽ gây nguy hại cho sức khỏe.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)