Theo đó, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC), cơ quan giám sát Internet cho biết, từ đầu năm đến nay họ đã gỡ bỏ hơn 42.000 ứng dụng giả mạo. Danh sách đen các nền tảng bất hợp pháp đã lên tới 3,8 triệu website và 514.000 ứng dụng.
Cơ quan này cho hay, những kẻ lừa đảo đang lập ra ngày càng nhiều các ứng dụng tài chính giả mạo “nhái” các nền tảng nổi tiếng như JD Finance, một trong những công ty cho vay trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc. Chỉ riêng nền tảng này, đã có hơn 5.600 ứng dụng “fake”.
Vào tháng 6, một người dùng Internet tại tỉnh Sơn Đông đã bị lừa 60.000 NDT (8.950 USD) sau khi tải xuống ứng dụng giả mạo nền tảng cho vay tài chính Mashang Consumer Finance. Ứng dụng lừa đảo đã yêu cầu người này trả 10.000 NDT cho bảo hiểm khoản vay tài chính và 50.000 NDT lệ phí xác minh vốn.
Trung Quốc hiện đang là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, với hơn 1 tỷ người dùng Internet tính tới hết tháng 12/2021. Quốc gia này cũng là thị trường tiêu thụ điện thoại thông minh và máy tính cá nhân lớn nhất toàn cầu. Điều này khiến đây trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho những ứng dụng lừa đảo sinh sôi.
Vào tháng 4, Tân Hoa Xã dẫn nguồn CAC cho biết, những năm gần đây, việc sử dụng ứng dụng để lừa đảo trực tuyến chiếm khoảng 60% tổng số các vụ gian lận viễn thông tại đại lục. Các ứng dụng lừa đảo này “bắt chước” các nền tảng thanh toán, thậm chí là cả các ngân hàng lớn.
Không chỉ vậy, “virus” gian lận trực tuyến cũng lan sang Hồng Kông. Trích số liệu tội phạm mới nhất, trong 4 tháng đầu năm, những kẻ lừa đảo đã chiếm đoạt hơn 1,28 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 163 triệu USD) của hơn 6.000 nạn nhân.
Để đối phó với tình trạng này, CAC đã phải phối hợp Bộ Công an Trung Quốc cùng các cơ quan chức năng khác xây dựng hệ thống cảnh báo trực tuyến dành cho người dùng Internet.
Vinh Ngô