Thời gian gần đây, phóng viên VietNamNet liên tục nhận được thông tin những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn được Báo viết bài kêu gọi hỗ trợ phản ánh bị một số đối tượng lừa đảo bằng mã quét QR để nhận tiền.

Anh Nguyễn Thành Tích (42 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) – nhân vật trong bài viết: “Hoàn cảnh ngặt nghèo của 3 mẹ con mắc bệnh tim không có tiền chữa trị” cho biết, gia đình được bạn đọc ủng hộ hơn 40 triệu đồng. Đây là nguồn động viên rất lớn giúp vợ cùng 2 con chữa bệnh.

lừa đảo.jpg
Đối tượng làm giả giao dịch đã chuyển 35 triệu đồng ủng hộ gia đình anh Tích. Ảnh: Trần Tuyên

Ngày 22/9, anh Tích nhận được số điện thoại 0896.89xxxx của một người đàn ông tự xưng là Nguyễn Hoàng Nam muốn chuyển tiền cho gia đình. Người này sau đó yêu cầu anh Tích kết bạn qua zalo, gửi số tài khoản ngân hàng để tiện trao đổi.

Người này chụp màn hình giao dịch đã chuyển cho gia đình 35 triệu đồng nhưng tôi kiểm tra tài khoản mấy lần đều không nhận được tiền. Sau đó, liên tục hối thúc kiểm tra rồi nói có thể lỗi giao dịch và chuyển cho tôi một mã quét QR, nói quét mã này sẽ nhận tiền nhanh hơn” anh Tích nhớ lại.

Tin lời, anh Tích quét mã QR trên thì mới tá hoả phát hiện toàn bộ tiền trong tài khoản đã “không cánh mà bay”.

“Tài khoản bị trừ hơn 3 triệu đồng cũng là lúc kẻ lừa đảo xoá kết bạn, chặn liên lạc. Biết rõ hoàn cảnh gia đình khó khăn như thế mà người ta nỡ lòng nào…”, anh Tích buồn bã.

Cùng một chiêu trò, đối tượng này cũng tìm cách tiếp cận chị Lê Thị Bảo Duyên (30 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) – nhân vật bài viết: "Nghe tiếng con thều thào, tôi tưởng thế giới xung quanh như sụp đổ".

Chị Duyên cho hay, tài khoản Zalo tên Nguyễn Hoàng Nam chủ động gửi lời mời kết bạn, gửi ảnh chụp giao dịch đã chuyển thành công 25 triệu đồng cho chị với nội dung: “Bao Tuoi Tre va MTTQ giup do gd”.

lừa đảo 1.jpg
Tài khoản zalo tên "Nguyễn Hoàng Nam" chuyên kết bạn, lừa đảo các hoàn cảnh hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Trần Tuyên

Theo chị Duyên, đây không phải là lần đầu tiên đối tượng này liên hệ với chị. Ngay khi bài viết đăng tải hoàn cảnh gia đình vào hồi đầu tháng 8 vừa qua, đối tượng đã gọi nhưng bị chị từ chối.

Giữa tháng 9, tin ‘Trao gần 140 triệu đồng đến bé Gia Lâm ở An Giang’ vừa đăng, Nam tiếp tục gọi cho tôi với mong muốn được giúp đỡ. Tôi nói anh không nhớ đã gọi điện lừa một lần rồi sao. Đối tượng lập tức tắt máy, chặn số điện thoại tôi”, chị Duyên chia sẻ.

Một hoàn cảnh tương tự không may mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo là em Lê Văn Triệu (25 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) – nhân vật bài viết: “Con trai bỏ đại học chăm mẹ động kinh liệt giường, cha viêm tuỵ cấp”.

Đối tượng tự xưng là “mạnh thường quân Hội kiều bào cộng đồng người Việt”, thường xuyên nhắn tin, hỏi thăm hoàn cảnh, động viên em Triệu. Khi đã lấy được lòng tin, người này nói chuyển 100USD thông qua việc quét mã.

Biết ‘con mồi’ quét mã và mất hết tiền trong tài khoản ngân hàng (hơn 2 triệu đồng – PV), “mạnh thường quân” vội vã chặn liên lạc với em Triệu.

PV sau đó nhiều lần liên hệ trực tiếp qua số điện thoại 0896.89xxxx, nhưng đầu dây bên kia thông báo thuê bao, gửi lời mời kết bạn qua zalo nhưng đến 4h chiều ngày 23/9 vẫn không nhận được phản hồi.

Làm sao tránh được lừa đảo?

Hiện có vô vàn chiêu thức, thủ đoạn lừa đảo thông qua không gian mạng, mạng viễn thông, đặc biệt là gần đây chiêu thức lừa đảo bằng quét mã QR code bùng phát, khi thanh toán bằng hình thức này vô cùng tiện lợi, được nhiều người tiếp cận.

Trước vấn nạn trên, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều đơn vị liên quan, Công an các tỉnh, thành thường xuyên cập nhật, đưa ra cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo để người dân biết, tăng cường cảnh giác.

Các cơ quan khuyến cáo người dân, để tránh là nạn nhân của lừa đảo, khi quét mã QR code cần xác minh kỹ thông tin giao dịch mới thực hiện các bước chuyển tiền trực tuyến. Khi quét mã QR code có đưa tới đường link lạ, cần phải kiểm tra kỹ có bắt đầu với https và tên miền hay không, mới quyết định thực hiện các thao tác tiếp theo.

lừa đảo quét mã QR.jpg

Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước và hàng loạt ngân hàng liên tiếp đưa ra những cảnh báo lừa đảo thẻ tín dụng thông qua quét mã QR code.

Theo đó, các đối tượng qua nhiều cách thức, chủ yếu là kết bạn qua mạng xã hội hay gửi thư điện tử để trao đổi đến nạn nhân mã QR code. Khi người dùng quét mã QR code sẽ được đưa tới các website giả mạo y hệt website các ngân hàng.

Vụ Thanh toán cũng khuyến cáo các đơn vị, tổ chức cung cấp mã QR code trong các hoạt động thanh toán, cung cấp thông tin, cần chú ý tuyên truyền đến người dùng về các thủ đoạn lừa đảo, các cảnh báo đến khách hàng của mình; đưa ra giải pháp xác minh giao dịch có dấu hiệu bất thường; thường xuyên kiểm tra các mã QR code được dán tại địa điểm cung cấp.