Tối 19/1, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, những quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới trên các trang mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người đổi tiền.

Thực tế đã có không ít người thực hiện giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền được đổi thì không đủ như cam kết, thậm chí khi nhận lại là tiền giả.

Các đối tượng lợi dụng thời cơ, đánh vào tâm lý của người muốn đổi tiền để thực hiện hành vi lừa đảo. Đa số đối tượng khi nhận được tiền thật của người có nhu cầu đổi tiền liền chặn liên lạc và “lặn” mất tăm.

Thông thường những người “sập bẫy” các chiêu lừa đảo và bị đổi tiền giả đều xem như “xui”, không ai trình báo đến các cơ quan chức năng vì sợ bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán tiền giả.

“Hiện nay, theo quy định của pháp luật, cả người mua và bán tiền giả đều bị xử lý hình sự với các mức phạt tù khác nhau mà không phụ thuộc vào mệnh giá, giá trị tiền để mua bán”, lãnh đạo Công an quận Tây Hồ thông tin.

Do nhu cầu thanh toán, lưu thông hàng hóa - tiền tệ trong dịp cuối năm thường tăng cao, Ngân hàng nhà nước (NHNN) luôn chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, TP và các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thanh toán; công tác tiền tệ - kho quỹ.  

Mục đích đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt về cả số lượng, cơ cấu và chất lượng tiền cho lưu thông hàng hóa - tiền tệ.

Đồng thời nâng cao chất lượng tiền cho lưu thông, thu đổi và tuyển lựa tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. “Chỉ có NHNN chi nhánh và các tổ chức tín dụng mới được phép thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông”

Vì vậy, mọi hành vi thu đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch, trao đổi tiền trên mạng không được phép đều vi phạm quy định pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm minh”

Từ đó, công an chỉ ra 5 cách kiểm tra, nhận biết tiền thật - giả: Soi tờ tiền trước nguồn sáng, kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị. Vuốt nhẹ tờ tiền kiểm tra các yếu tố in lõm. Chao nghiêng tờ tiền kiểm tra mực đổi màu (OVI), IRIODIN, hình ẩn nổi. Kiểm tra các cửa sổ trong suốt. Dùng kính lúp, đèn cực tím.

Trong đó, cách 2 vuốt nhẹ tờ tiền (kiểm tra các yếu tố in lõm) là cách thông dụng và được nhiều người sử dụng. Chỉ cần vuốt nhẹ tờ tiền ở các yếu tố in lõm sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in.

Trong khi ở tiền giả, vuốt nhẹ tay chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay nhưng không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật.