Giữa cao điểm mùa khô, lượng mưa trung bình thấp hơn mọi năm khiến mực nước ở các sông hồ nhiều nơi trên địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội) xuống thấp, nguồn nước ngầm cạn kiệt. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra ở nhiều xã như Cẩm Lĩnh, Vật Lại, Tòng Bạt... Trong ảnh, mực nước hồ Suối Hai ở huyện Ba Vì xuống thấp kể từ tháng 5.

Từ đầu năm đến nay, nhiều người dân xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì) phải mua từng m3 nước giếng khơi với giá lên tới 200.000-250.000 đồng/xe (khoảng 3m3) để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi vì nguồn nước ngầm cạn kiệt và không đảm bảo chất lượng. Ông Nguyễn Văn Luân (thôn Vô Khuy) cho biết, xã này phải đến 99% chưa có nguồn nước máy nên phải sử dụng nước giếng khơi ít ỏi và không đảm bảo chất lượng.

Không khó để bắt gặp những xe công nông hoán cải chở nước từ các vùng lân cận về bán tại xã Cẩm Lĩnh. Người dân cho biết, từ nhiều năm trước, xã đã triển khai dự án lắp đặt đường ống dẫn nước sạch từ xã Phú Sơn kề bên (có nguồn từ Nhà máy nước sạch Sông Đà) về xã Cẩm Lĩnh, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được đấu nối với hệ thống.

Vào mùa khô hạn, nguồn nước ngầm cạn kiệt, người dân chỉ còn biết trông đợi nguồn nước mưa hoặc mua nước giếng khơi từ các xã lân cận. Năm nay mưa đến muộn, 80-90% giếng khơi trong vùng thiếu nước từ đầu năm, có thời điểm cạn trơ đáy. "Những trận mưa vừa qua cũng chỉ giải quyết tạm thời về nguồn nước, nếu tiếp tục nắng nóng và ít mưa thì người dân trong xã lại phải tiếp tục mua nước từ các vùng lân cận", ông Luân cho biết thêm.

Nghề chính là vận chuyển vật liệu xây dựng, vài năm gần đây anh Nguyễn Thế Thiện còn làm thêm chở nước vào mùa khô hạn. Anh thiện cho biết, có những thời điểm anh chạy hàng chục chuyến mỗi ngày, tất bật từ sáng sớm cho đến tối muộn. Ngay cả gia đình anh cũng phải mua nước giếng khơi từ các xã lân cận về để sinh hoạt.

Mặc dù chỉ sống một mình, bà Phùng Thị Hà (thôn Ngọc Thịnh) vẫn phải mua hàng chục xe nước giếng kể từ đầu năm đến nay. "Nước giếng khơi tại đây không đảm bảo nên quanh năm tôi phải sử dụng nước đóng bình để ăn uống", bà Hà nói.

Không có nguồn nước sạch, gia đình nào có điều kiện thì sử dụng máy lọc nước để làm sạch nước ngầm, còn nước mưa được tích trữ để phục vụ ăn uống. Ông Chu Văn Tuấn (thôn Vô Khuy, xã Cẩm Lĩnh) cho biết, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, từ 3-6 tháng thay lõi lọc thô máy lọc nước một lần nhưng trung bình cứ gần 2 tháng lõi lọc đã bẩn.

Nắng nóng kéo dài càng làm tình hình khan nước nơi đây trở nên trầm trọng. Trong ảnh, ao trữ nước hơn 1.500m2 để phục vụ chăn nuôi lợn của anh Phan Khắc Ninh bị cạn nước kể từ đầu năm. Với gần 100 con lợn nái, anh Ninh mỗi ngày cần ít nhất 15m3 nước sạch để tắm và cho lợn uống. Vào thời điểm hồ cạn, mỗi tháng người nông dân này phải chi hàng chục triệu đồng để mua nước phục vụ chăn nuôi.

Ngoài nắng nóng kéo dài thì từ khi triển khai dự án nạo vét lòng sông Tích chảy qua địa bàn, các giếng khơi gần đó cũng ít nước hơn một cách bất thường, mạch nước ngầm khan hiếm hẳn. Trong khi đó, địa phương này nằm giữa hai Nhà máy nước sạch Sông Đà (Ba Vì) và Nhà máy nước sạch Sông Đà tại xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình.