Sự hiện hiện của ngư dân trên biển không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế mà còn khẳng định chủ quyển biển đảo của Tổ quốc.

Thực hiện Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận quân đội trong tình hình mới”, từ đầu năm 2017, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bắt đầu triển khai một số mô hình dân vận là “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tại các xã (huyện) đảo xa đất liền. Mô hình nhằm hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề cá an toàn, đúng pháp luật và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

{keywords}
Cảnh sát biển tuyên truyền pháp luật, tặng áo phao cho ngư dân. Ảnh: QĐND

Mô hình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” nhằm đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận của lực lượng Cảnh sát biển trong tình hình mới; tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng địa phương các xã (huyện) đảo vững mạnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân và nhân dân trên các xã (huyện) đảo là nội dung quan trọng hàng đầu trong triển khai mô hình.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào: Tuyên truyền Công ước Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Biển các nước trong khu vực có vùng nước giáp ranh với Việt Nam; Luật Thủy sản; Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Luật phòng chống tội phạm ma túy; Luật môi trường; tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản; tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước để khuyến khích, động viên nhân dân ra biển đánh cá, ổn định sinh sống trên đảo.

Việt Nam có vùng biển hơn 1 triệu km vuông rất nhiều tiềm năng, lại là tuyến vận tải có ý nghĩa. Để có thể mạnh từ biển, giàu nhờ biển chúng ta phải khai thác biển và đặc biệt bảo vệ tổ chức ngư dân khai thác đánh bắt hải sản trên vùng biển. Bởi vài năm trở lại đây, việc đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa gặp nhiều khó khăn hơn, bị tàu nước ngoài cướp hàng, phá hỏng ngư cụ, thậm chí bị bắt, có lực lượng Cảnh sát biển tuyên truyền về mốc giới được phép của mình, bà con ngư dân đã có ý thức hơn khi đi khai thác ngoài khơi xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhiều hoạt động đồng hành với ngư dân tại huyện đảo đã giúp cho bà con an tâm hơn trong hoạt động sản xuất đánh bắt cũng như định cư lâu dài trên hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa

Do vậy, bên cạnh việc tuyên truyền về pháp luật và các thông tin cần thiết, hàng ngày, Cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên có từ 15 – 20 tàu, xuồng trực tại các đảo xa bờ và làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo trên các vùng biển của Tổ quốc nhất là vùng biển giáp ranh, vùng biển chồng lấn hoặc đang có tranh chấp giữa Việt Nam với các nước để hướng dẫn và tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản, hạn chế thiệt hại và ảnh hưởng đến công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Ai cũng biết đi biển là nghề nguy hiểm, nhưng nhờ có sự đồng hành của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ngư dân họ không còn đơn độc nơi khơi xa, hăng say ra khơi bám biển, sản xuất.

Không thể phủ nhận, sau 1 năm triển khai, mô hình dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Tổng số tiền hỗ trợ cho ngư dân ở các xã huyện đảo với giá trị gần 2,3 tỷ đồng là kết quả nổi bật sau 1 năm triển khai Mô hình. Đây là bước cụ thể hóa nghị quyết 49 của Quân ủy Trung ương về “Đổi mới công tác Dân vận trong thời kì mới”.

Hôm 26/10 vừa qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã diễn ra Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm triển khai Mô hình công tác Dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với Ngư dân” do Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì.

Trung tướng Hoàng Văn Đồng cho biết: "Kết quả thực hiện Mô hình đã góp phần xây dựng, củng cố địa phương ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển. Qua rút kinh nghiệm lần này, Cảnh sát biển Việt Nam xác định tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này một cách thường xuyên, liên tục. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của lực lượng Cảnh sát biển. Phải tăng cường hơn nữa giáo dục về pháp luật đối với ngư dân. Ngư dân chấp hành tốt pháp luật cũng góp phần to lớn để giúp Cảnh sát biển thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”.

Minh Thành - Lan Hương