Ngày 8/7, Nhật Bản sẽ tưởng niệm một năm ngày cựu Thủ tướng Abe Shinzo qua đời do bị ám sát. Cảnh sát nước này đặt mục tiêu thử nghiệm camera AI trong năm tài khóa 2023 (kết thúc tháng 3/2024).

Camera AI có thể trang bị các chức năng như phát hiện hành vi, trong đó phân tích chuyển động của một người và nhận diện gương mặt. Cảnh sát sẽ chỉ dùng đến chức năng phát hiện hành vi, theo Nikkei.

Khu vực nơi cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị bắn ngày 8/7/2022. (Ảnh: Nikkei)

Hệ thống sẽ học cách nhận ra các chuyển động bất thường như liên tục đảo mắt nhìn quanh. Mắt người rất khó phát hiện hành vi bất thường giữa đám đông. Vì thế, hệ thống giúp lực lượng bảo vệ loại bỏ các rủi ro an ninh.

Ngoài ra, cảnh sát còn thử nghiệm chức năng phát hiện súng và đồ vật đáng nghi, phát hiện xâm nhập. Cơ quan cảnh sát quốc gia sẽ kiểm tra tính chính xác của camera AI trong quá trình thử nghiệm và thận trọng cân nhắc khả năng sử dụng hệ thống trong thực tiễn.

Camera AI thu thập lượng lớn dữ liệu, do đó để cân bằng chức năng và bảo vệ dữ liệu là một thách thức. Liên minh châu Âu cấm dùng công nghệ nhận diện gương mặt trong dự thảo quy định toàn diện về trí tuệ nhân tạo. Cảnh sát trong khu vực không được thử nghiệm công nghệ này.

Một trong những lý do khiến cảnh sát Nhật Bản quyết định thử hệ thống mới là số vụ tấn công của một cá nhân đang gia tăng và ngày càng khó phát hiện. Ngoài vụ ám sát ông Abe, còn có một vụ tấn công Thủ tướng Fumio Kishida vào tháng 4.

AI được sử dụng ngày một nhiều trong hoạt động của cảnh sát. Theo khảo sát của tổ chức Carnegie Endowment for International Peace năm 2019, công nghệ được dùng tại 52/176 quốc gia, nhất là tại châu Âu, Mỹ và châu Á. Theo Isao Itabashi, nhà phân tích chính của Hội đồng Chính sách công (Tokyo) kiêm chuyên gia về các biện pháp chống khủng bố, AI giúp cảnh sát làm việc hiệu quả hơn vì có thêm công cụ cảnh giác.

Chính phủ Pháp đã thông qua dự luật cho phép lắp đặt camera an ninh AI trong kỳ Olympics và Paralympics Paris 2024. Tại Nhật Bản, khu vực tư nhân đang dẫn đầu việc ứng dụng AI. Tại hội nghị G7 tổ chức ở Hiroshima hồi tháng 5, công ty đường sắt West Japan Railway đưa vào hệ thống cảnh báo nhân viên bảo vệ khi phát hiện hành vi bất thường.

(Theo Nikkei)