Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, dân tộc Tày 40,83%, Nùng 29,81%, Mông 11,65%, Dao 10,36%, Sán Chỉ 1,49%, Lô Lô 0,54%.

Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đời sống còn nghèo nàn, lạc hậu, ít có điều kiện tiếp cận thông tin mọi mặt của xã hội. Do đó, báo chí truyền thông luôn là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các ấn phẩm báo chí trên toàn tỉnh Cao Bằng luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các địa bàn vùng cao.

Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, với hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, góp phần đưa chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số một cách sâu rộng.

Các loại hình báo chí tuyên truyền giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận với báo điện tử, trang thông tin điện tử trên máy tính, tivi hoặc điện thoại thông minh… Hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã bên cạnh việc tiếp sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thành và Truyền hình Cao Bằng còn có chương trình phát thanh riêng. Với lịch phát sóng ngày 2 - 3 lần vào sáng sớm, trưa, chiều tối đã cung cấp nhiều thông tin thiết yếu đến đồng bào, phát huy vai trò là phương tiện, công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động thông tin, tuyên truyền ở cơ sở và công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Ảnh màn hình 2024 12 07 lúc 10.00.03.png
Các cơ quan báo chí mở nhiều chuyên mục tập trung tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo số liệu thống kê mới nhất, Đài Phát thanh và Truyền hình Cao Bằng sản xuất, phát sóng, đăng tải trên 10.900 tin, bài viết/năm; duy trì thời lượng trên 1.800 bản tin thời sự/ngày; 480 chuyên mục truyền hình; 120 chuyên mục phát thanh; 365 chương trình truyền hình tiếng dân tộc Tày - Nùng, Mông, Dao. 

Là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, những năm qua, Báo Cao Bằng thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh việc cung cấp thông tin thời sự, báo như một cẩm nang giúp bà con vùng sâu, vùng xa tiếp cận, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 

Các cơ quan báo chí mở, duy trì nhiều chuyên mục tập trung tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số, hướng đến việc phát triển nguồn nhân lực ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa các thành phần dân tộc, giữa vùng dân tộc với các vùng khác trong tỉnh và cả nước. Tuyên truyền về chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách khác liên quan đến miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. 

Bên cạnh tiếp cận thông tin từ các loại hình báo chí, truyền thông, việc truyền đạt thông tin đến bà con các dân tộc nhanh nhất, hiệu quả nhất vẫn là thông qua các trưởng xóm, bí thư xóm, người có uy tín tại địa phương. Họ chính là nhịp cầu nối quan trọng giúp gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân, là cánh tay nối dài của các cơ quan tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng Báo Cao Bằng, hằng năm cấp phát miễn phí đến 100% bí thư chi bộ, trưởng xóm để tuyên truyền trong nhân dân.

Có thể thấy, việc quan tâm, tăng cường công tác thông tin, truyền thông tới vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các cơ quan báo chí, truyền thông đã giúp người dân thay đổi nhận thức, tự vươn lên bằng chính khả năng, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.