Tuyên truyền trên đa kênh

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh, công tác tuyên truyền luôn bám sát nội dung các chỉ thị, kế hoạch, văn bản hướng dẫn của Chính phủ, định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.

Đề án 06 c.jpg
Các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền Đề án 06, về tính năng căn cước công dân và ứng dụng VneID. Ảnh: B.M

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền Đề án 06, về tính năng căn cước công dân và ứng dụng VneID; yêu cầu 100% đảng viên, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang toàn tỉnh, tổ công nghệ số cộng đồng và lực lượng triển khai Đề án 06 cơ sở phải đăng ký kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, và mỗi người phải hướng dẫn tối thiểu cho 10 công dân đăng ký, kích hoạt thành công tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2.

Thực tế thời gian qua, các sở, ban ngành, ủy ban nhân dân các cấp đã tích cực tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử của ngành, địa phương, với trên 38 phóng sự, trên 2.935 tin bài có nội dung liên quan đến công tác triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, đến sử dụng tài khoản định danh điện tử, cách thức sử dụng các dịch vụ công trực tuyến để thực hiện các thủ tục hành chính.

Công an tỉnh đã phối hợp với Báo Cao Bằng, Báo điện tử Công an nhân dân, Báo VOV, Đài Phát thanh và Truyền hình Cao Bằng, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Công an nhân dân… đăng tải thông tin, tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và Đề án 06/CP nói riêng. Đến nay, Phòng PX03 Công an tỉnh Cao Bằng đã đăng tải 451 tin, bài tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến và Đề án 06 phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh, fanpage Truyền hình an ninh Cao Bằng, thu hút trên 4.623.200 lượt người tiếp cận, 1.347.558 lượt người theo dõi.

“Công tác tuyên truyền về Đề án 06 được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt với các hình thức, cách làm phù hợp đặc điểm từng đơn vị, địa phương, tới tận thôn, xóm, khu phố, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu”, báo cáo mới đây của Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá.

Tới nay, công tác tuyên truyền đã phát huy tác dụng đáng khích lệ. Đại đa số người dân đều hưởng ứng tích cực và ra sức chung tay cùng lực lượng Công an, các tổ công nghệ số cộng đồng và lực lượng triển khai Đề án 06. Qua đó, người dân dần thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen và sử dụng công nghệ để phục vụ các nhu cầu cuộc sống hàng ngày từ việc nộp hồ sơ dịch vụ công, thanh toán điện tử, khám chữa bệnh...

Đề án 06 a
.jpg
Đại đa số người dân đều hưởng ứng tích cực và ra sức chung tay cùng lực lượng Công an, các tổ công nghệ số cộng đồng và lực lượng triển khai Đề án 06. Ảnh: B.M

Chủ động, sáng tạo và linh hoạt

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác tuyên truyền ở một số địa phương còn hình thức, nên một số thời điểm người dân cảm thấy không thoải mái khi bị ép buộc thực hiện các yêu cầu của cơ quan chức năng như cấp căn cước công dân, tạo và kích hoạt tài khoản định danh điện tử... Hiệu quả công tác tuyên truyền đến người dân về những tiện tích, lợi ích của việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử còn hạn chế.

Tìm hiểu nguyên nhân thì thấy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn, kèm tài liệu tuyên truyền cụ thể, tuy nhiên, khi thực hiện, mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương lại tổ chức theo các hình thức, thời gian khác nhau, chưa tạo hiệu ứng thu hút đối tượng được tuyên truyền.

Việc cung cấp các dịch vụ trên môi trường điện tử đòi hỏi công dân phải đăng ký tài khoản, có các thiết bị truy cập mạng như smart phone, máy tính... và có kỹ năng sử dụng các ứng dụng, phần mềm có liên quan. Tuy nhiên, nhiều người dân do không có thiết bị và kỹ năng sử dụng phần mềm còn hạn chế dẫn đến ngại tiếp cận, sử dụng dịch vụ.

Không ít người dân có tâm lý phải trực tiếp đến cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính để được trả kết quả nhanh chóng, nên chưa bắt nhịp được với hình thức tiếp cận mới trên môi trường điện tử.

Tổ công tác Triển khai Đề án 06 của tỉnh Cao Bằng đã đề xuất một số giải pháp để khắc phục hiện trạng nêu trên. Theo đó, đáng chú ý là cần chủ động sáng tạo hơn nữa trong việc áp dụng các hình thức tuyên truyền; vận dụng các lợi thế về tập quán, sinh hoạt từng vùng miền để tuyên truyền nội dung cho các đối tượng phù hợp. Tiếp tục đa dạng hình thức tuyên truyền, tập trung vào các tiện ích mà Đề án 06 mang lại cho người dân phù hợp với từng nhóm đối tượng. 

Bình Minh