Cao Bằng là 1 trong 3 địa phương của Việt Nam phát hiện chủng cúm gia cầm độc lực cao A/H5N8 từ đầu tháng 6.2021 đến nay.

Ông Hoàng Minh Đạt, Chi Cục trưởng chi Cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng cho biết, ngay khi phát hiện ổ dịch cúm gia cầm tại phường Ngọc Xuân (TP Cao Bằng), ngành chức năng đã yêu cầu tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Thời điểm phát hiện ổ dịch mới xác định bước đầu là cúm A/H5, tuy nhiên sau khi Bộ NN&PTNT công bố là chủng cúm độc lực cao A/H5N8, tỉnh Cao Bằng đã khẩn trương khoanh vùng, áp dụng nhiều biện pháp dập dịch. Đến nay, qua 21 ngày chưa ghi nhận ổ dịch mới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận định trong thời gian tới, nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N8 lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao do virus cúm gia cầm A/H5N8 lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

Để chủ động ngăn chặn virus cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao khác, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trong đó, đẩy mạnh tiêm vaccine cúm gia cầm bao vây ổ dịch, bảo đảm đạt tỉ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ. Tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Đối với địa phương có ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 chưa qua 21 ngày hoặc phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với virus cúm A/H5N8 và các chủng cúm H5 khác cần xử lý tiêu hủy, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) địa phương quyết liệt ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.

Gia cầm mắc bệnh thường có biểu hiện đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám, ho, sổ mũi, chảy nước mũi, thở khò khè...

Ngoài ra, gia cầm mắc bệnh thường bị sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều con sưng khớp, sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái, xuất huyết dưới da, đặc biệt ở những chỗ da không có lông, tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh, năng suất trứng giảm rõ rệt ở những con gia cầm đang đẻ, có trường hợp đẻ trứng không có vỏ.

Hoài Linh