Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới với nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 94,88%. Điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. 

Năm 2023, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực tiếp cận của người dân” được tỉnh chú trọng quan tâm, bám sát với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; gắn kết chặt chẽ hơn với công tác xây dựng, thực thi pháp luật dưới nhiều hình thức phong phú ở các cấp, các ngành. 

tiep can phap luat cao bang.jpg
Cao Bằng chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Tỉnh Cao Bằng đã tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo phổ biến giáo dục pháp luật đối với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; đa dạng hóa các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, chú trọng đến đối tượng đặc thù như: đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; phạm nhân, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, trung tâm cai nghiện bắt buộc; người lao động trong doanh nghiệp… 

Bên cạnh các hình thức giáo dục pháp luật truyền thống, tỉnh đã quan tâm triển khai các hình thức mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này như: Thông tin pháp luật trên Cổng/Trang thông tin điện tử, tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo về phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận pháp luật thuận tiện. 

Tỉnh đã duy trì việc xuất bản Bản tin tư pháp để cung cấp tài liệu phổ biến pháp luật cần thiết cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; quan tâm tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường. 

Địa phương đã tổ chức phát động 340 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 102.682 lượt người tham gia dự thi. Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã xây dựng, phát hành 238.164 bản tin tài liệu pháp luật, 4.400 cuốn bản tin tư pháp, 16.500 tờ gấp, 1.960 tờ áp phích cấp phát đến các đơn vị, địa phương làm tài liệu tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật.

Hội đồng tỉnh đã tổ chức 6 hội nghị trực tuyến triển khai các văn bản pháp luật cấp tỉnh với hơn 5.000 lượt đại biểu tham dự tại các điểm cầu. Các sở, ban ngành của tỉnh đã tổ chức hàng nghìn cuộc phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp với sự tham dự của đông đảo người dân, nhất là ở cơ sở. Toàn ngành giáo dục tổ chức được 5.151 buổi tuyên truyền với 442.199 lượt người tham gia.

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai được 971 cuộc phổ biến giáo dục trực tiếp. Sở Tư pháp tham mưu Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức 2 hội nghị trực tuyến triển khai văn bản pháp luật mới tại 172 điểm cầu với khoảng 4.250 đại biểu tham dự.

Hội đồng tỉnh còn tham mưu, tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Cao Bằng năm 2022 với hình thức sân khấu hóa và chọn cử đội thi tham gia vòng thi khu vực Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV; Tham gia hưởng ứng, tổ chức phát động 340 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 102.682 lượt người tham gia dự thi; Tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Luật Cư trú năm 2020”.

Tỉnh cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Đến thời điểm này, tỉnh có 122 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 255 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 2.286 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. 1.462 tổ hòa giải được củng cố ở thôn, bản với 7.703 hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến gáo dục pháp luật cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được quan tâm. Đội ngũ này thường xuyên được rà soát, củng cố, kiện toàn khi có thay đổi theo quy định của Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ Tư pháp.

Về mô hình phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả, Cao Bằng đã áp dụng một số mô hình, cách làm hiệu quả như: Mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; mô hình “Tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luât” do Ủy ban nhân dân, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật huyện Nguyên Bình triển khai thực hiện; mô hình phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các hội nghị phổ biến pháp luật của một số xã, phường, thị trấn; mô hình hoạt động cộng đồng của Đoàn Thanh niên.

Thông qua đây, năng lực tiếp cận của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em và nhóm đặc thù… ngày càng được nâng lên. Ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn, tạo ra nếp sống tuân thủ pháp luật trong đời sống hàng ngày. Từ đó xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại, an toàn. 

Người dân cũng chủ động tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật thông qua các trang thôn điện tử chính thống, mạng xã hội… nắm được vai trò, tầm quan trọng của pháp luật trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân mình. 

Thời gian tới, Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng tiếp tục tham mưu cho Hội đồng tỉnh thực hiện các giải pháp, chủ trương mới về công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo định hướng từ Trung ương. Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật gắn với với từng đối tượng, gắn với các nhu cầu thiết thân, giải quyết các vấn đề cuộc sống của từng người dân.

Trong tương lai, các cơ quan nhà nước cần chú trọng xây dựng các cơ sở dữ liệu, thông tin pháp luật để đáp ứng, phục vụ các vấn đề pháp lý của người dân. Việc phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số cần được thực hiện bằng các hình thức đa dạng, chú trọng thực hiện bằng tiếng dân tộc.

Quỳnh Nga