Trong kế hoạch thực hiện về giảm nghèo thông tin, tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin. Cùng với đó, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; đảm bảo 100% xã vùng núi điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hệ thống đài truyền thanh hoạt động, phục vụ tốt cho công tác thông tin, tuyên truyền và quản lý, điều hành tại địa phương.

Để đạt các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Cao Bằng chủ trương đẩy mạnh, tăng cường thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu cho xã hội, nhất là cung cấp thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thông tin cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất, kinh doanh; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

w truyen thanh thong minh cao bang thach thao 12 1 368.jpg
Mở rộng diện phủ sóng băng thông rộng (3G, 4G) trên địa bàn tỉnh. 

Đặc biệt, tỉnh ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng tại các xã miền núi. Nghiên cứu, phê duyệt các vị trí xây dựng trạm thu phát sóng di động (BTS) cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao diện phủ sóng băng thông rộng (3G, 4G) trên địa bàn tỉnh. 

Đến nay, VNPT tỉnh Cao Bằng đã đầu tư xây dựng 1.424 trạm BTS phủ sóng di động, 308 trạm BTS 2G, 561 trạm BTS 3G, 555 trạm BTS 4G. Qua đó, 100% xã trên địa bàn tỉnh có mạng cáp quang được sử dụng Internet tốc độ cao và bảo đảm phủ sóng đến trên 97% khu vực dân cư trên địa bàn, bao gồm cả vùng nông thôn và miền núi, giúp người dân tiếp cận thông tin và tri thức kinh tế, khoa học kỹ thuật.

Đầu tư xây dựng đủ hạ tầng, nâng cao năng lực mạng lưới viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phòng, chống thiên tai; luôn sẵn sàng cung cấp các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của tỉnh trong xây dựng chính quyền số; sẵn sàng đáp ứng, cung cấp đủ nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật viễn thông và công nghệ thông tin cho UBND tỉnh và các khu dân cư.

Đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng băng thông rộng hiện có đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ chất lượng tốt, tốc độ cao và ổn định. Đồng thời, ưu tiên phát triển mới cột ăng ten thu, phát sóng thông tin di động, với các loại cột, trụ thân thiện môi trường, ngụy trang, không cồng kềnh trong đô thị. Tiếp tục triển khai việc cải tạo và sử dụng chung các cột ăng ten thu, phát sóng thông tin di động hiện có.

Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh. 

Phát triển hạ tầng dữ liệu gồm xây dựng kho dữ liệu dùng chung để cung cấp dữ liệu phục vụ công tác điều hành, quản lý và khai thác trực tiếp giúp xây dựng các ứng dụng mới. Triển khai có hiệu quả các nền tảng số dùng chung như nền tảng định danh và xác thực điện tử quốc gia, trao đổi định danh và xác thực điện tử, thanh toán điện tử…

Tỉnh nhân rộng, phát triển các dịch vụ của đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước.

Với những mục tiêu cụ thể và sự nỗ lực của các cấp chính quyền, thời gian gần đây, người dân sinh sống tại các vùng khó khăn của tỉnh Cao Bằng đã ứng dụng thành công công nghệ thông tin. Không chỉ thường xuyên cập nhật tin tức và kết nối mà các ứng dụng công nghệ thông tin còn được sử dụng để quảng bá văn hóa - du lịch trực tuyến trên các nền tảng thông tin xã hội và giới thiệu hàng hóa, đặc sản của địa phương lên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trong tỉnh và cả nước.